Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên cả nước, trong đó đề nghị giữ ổn định mức học phí năm học 2021-2022.
Ảnh minh họa
Ngày 4-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 3277/BGDĐT-KHTC gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở giáo dục và đào tạo về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên, phụ huynh trong tình hình dịch COVID-19.
Công văn nêu rõ để cùng chia sẻ với nhân dân cả nước trước những khó khăn, thách thức, giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh, học sinh, sinh viên do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các đợt thiên tai bão lũ ở nhiều địa phương trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 1505/BGDĐT-KHTC ngày gửi các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên cả nước, trong đó đề nghị giữ ổn định mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định mới để thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (dự kiến Nghị định sẽ ban hành trong tháng 8-2021 để áp dụng từ năm học 2021-2022), trong đó quy định mức trần học phí đối với năm học 2021-2022 của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập giữ ổn định bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập do Nhà nước quy định cho năm học 2020-2021.
Tuy nhiên, thời gian qua, theo phản ánh của người dân, một số địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo vẫn chưa thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn tình trạng một số cơ sở giáo dục và đào tạo tăng học phí, thu một số khoản thu ngoài quy định trong bối cảnh đời sống, kinh tế của người dân đang gặp nhiều khó khăn.
Để tiếp tục triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo khẩn trương rà soát, tổ chức công tác dạy học hợp lý, đảm bảo yêu cầu chất lượng và cắt giảm tiết kiệm tối đa các chi phí để tiết giảm các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo không cần thiết; giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như mức học phí năm học 2020-2021 đã ban hành.
Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, các địa phương, cơ sở giáo dục cần căn cứ các công văn, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tính toán xác định mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh trong tình hình dịch bệnh và công khai minh bạch.
Bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập theo các quy định của Nhà nước, các bộ ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, chỉ đạo các cơ sở giáo dục kêu gọi, huy động nguồn lực của xã hội để có các chính sách hỗ trợ thêm như: miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho các học sinh, sinh viên, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021-2022 đồng thời, tiếp tục quán triệt thực hiện đầy đủ các nội dung đã nêu tại văn bản số 1505/BGDĐT-KHTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các bộ ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có trách nhiệm giải trình với xã hội về hoạt động của cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các khoản thu theo đúng quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục để cùng chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, sinh viên.
Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành chỉ đạo cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng, công tác thu chi tài chính theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chịu trách nhiệm giải trình trước người học, xã hội về các mức thu của đơn vị thuộc phạm vi quản lý.