Là tỉnh có đường biên dài lên tới hơn 260 km tiếp giáp với 3 tỉnh của Campuchia và các khu công nghiệp, khu kinh tế…, Bình Phước được xem như một địa bàn sôi động cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Mặt hàng thuốc lá buôn lậu được Hải quan Bình phước bắt giữ (Ảnh: HQBP).

Địa bàn phức tạp

Theo ông Võ Tri Tâm, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Phước, địa bàn hoạt động của Hải quan phức tạp cả về mặt địa hình lẫn dân cư (chủ yếu là dân vãng lai ở các tỉnh thành khác, không có công việc làm ăn ổn định nên đã di cư lập nghiệp ở tỉnh Bình Phước). Đặc biệt là khu vực biên giới, cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, buôn bán trao đổi với cư dân biên giới, lao động phổ thông mang vác hàng hóa. Cùng với đó, khu vực biên giới hai bên khu vực cửa khẩu có đường mòn, lối tắt nhiều là điều kiện thuận lợi để các đối tượng vận chuyển pháo qua biên giới.

Các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn chủ yếu là một số doanh nghiệp đầu tư tại Campuchia, doanh nghiệp vãng lai xuất nhập khẩu không thường xuyên và cư dân các xã biên giới thuộc huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, một số tiểu thương tại chợ biên giới Cửa khẩu Hoàng Diệu, Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư; cư dân người Campuchia thường xuyên qua lại cửa khẩu.

Tại các Khu công nghiệp, đối tượng chủ yếu là một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc,….) và các doanh nghiệp không có trụ sở trên địa bàn

Ông Tâm cho biết, hàng hóa thường được buôn lậu và gian lận thương mại gồm ma túy, chất nổ, hàng điện tử, điện lạnh, thiết bị công nghệ thông tin đã qua sử dụng.

Bên cạnh đó còn có hàng xuất nhập khẩu có điều kiện như: Dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, máy móc đã qua sử dụng, thiết bị y tế, phế liệu và các mặt hàng thuộc Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp. Các mặt hàng có thuế suất cao như rượu, bia, thuốc lá… Ngoài ra còn các mặt hàng tiêu dùng xuất khẩu có hoàn thế giá trị gia tăng, gia súc, gia cầm nhập lậu…

Tại các khu công nghiệp, các mặt hàng như: nguyên liệu (vải, sợi, chỉ, hạt điều) nhập khẩu để sản xuất gia công xuất khẩu và một số máy móc nhập khẩu tạo tài sản cố định cũng được các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để buôn lâu, gian lận thương mại.

Lợi dụng các chính sách

Theo ông Phan Văn Dũng, Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Phước, phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại trên chủ yếu lợi dụng sự thông thoáng về các thủ tục hải quan, chính sách ưu đãi đầu tư để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Tại khu vực biên giới, doanh nghiệp nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa là những loại hàng hóa thông thường, người nhận hàng tại Việt Nam; khi bị cơ quan chức năng phát hiện lô hàng có nghi vấn hoặc phối hợp kiểm tra, doanh nghiệp điều chỉnh tên hàng, người nhận hàng bên phía Campuchia và làm thủ tục Hải quan sang loại hàng quá cảnh.

Một thủ đoạn khác là lợi dụng cơ chế thông thoáng trong việc khai báo hàng quá cảnh, doanh nghiệp chỉ khai báo tên hàng đại diện khi làm thủ tục Hải quan không khai những mặt hàng khác có thể là hàng cấm nhập khẩu. Đáng chú ý, trong quá trình vận chuyển lô hàng quá cảnh, doanh nghiệp vận chuyển có thể rút hàng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Đối với những lô hàng quá cảnh gồm những mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, mặt hàng có giá trị lớn hoặc hàng cấm nhập khẩu, sau khi lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp sẽ tìm cách đưa hàng trở lại Việt Nam bằng nhiều phương thức khác nhau như chia nhỏ hàng vận chuyển qua đường mòn, lối tắt.

Tại khu vực các khu công nghiệp, phương thức thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng, doanh nghiệp là lợi dụng chính sách quản lý hàng hóa sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, xuất nhập khẩu tại chỗ hoặc lợi dụng quá trình vận chuyển đề tuồn nguyên liệu nhập khẩu vào thị trường nội địa tiêu thụ nhằm gian lận thuế. Ngoài ra, một số doanh nghiệp ngụy trang bằng hình thức bán phế liệu để tuồn nguyên liệu, phụ liệu nhập sản xuất khẩu vào thị trường nội địa để tiêu thụ. Một số doanh nghiệp có trụ sở hoạt động tại các khu công nghiệp nhưng không làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Chơn Thành, lợi dụng việc không bị kiểm tra, giám sát để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.

Cần những giải pháp đồng  bộ

Tính từ đầu năm đến ngày 15/7/2019, Cục Hải quan Bình Phước đã phát hiện và bắt giữ 15 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tịch thu 3.310 bao thuốc lá, 4 kg pháo… Số vụ vi phạm hành chính là 96 vụ, giá trị tiền phạt là gần 750 triệu đồng…

Theo ông Võ Tri Tâm, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và tội phạm về ma túy ngày càng hoạt động tinh vi cả về phương thức, thủ đoạn nhằm qua mặt cơ quan chức năng, gây khó khăn trong công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Để khắc phục những khó khăn cũng như đẩy mạnh việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, Cục Hải quan Bình phước cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch định kỳ, đột xuất nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý địa bàn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thu nhập, xử lý thông tin trong nước và nước ngoài theo quy định, áp dụng hiệu quả quản lý rủi ro nhằm nâng cao công tác nắm thông tin tình hình địa bàn, đối tượng, mặt hàng có dấu hiệu rủi ro cao để phân tích đề ra phương hướng áp dụng biện pháp kiểm soát phù hợp.

Ngoài ra, Cục Hải quan Bình Phước cũng tích cực phối hợp các các lực lượng chức năng trên địa bàn như Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường và chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống buôn lậu trong địa bàn nhằm đạt hiệu quả cao nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp trong các công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa và các chất ma túy qua khu vực biên giới.

Áp dụng hiệu quả trong việc khai thác, kiểm soát hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VICS trong quá trình thực hiện các thủ tục Hải quan…/.

Theo cpv.org.vn

Từ khóa : BÌNH PHƯỚCbuôn lậuhải quân

Các tin liên quan đến bài viết