Tuy năm 2018 mới bắt đầu triển khai đấu thầu qua mạng, nhưng tỉnh Bình Phước đã khá mạnh dạn áp dụng hình thức này, trong đó có nhiều gói thầu xây lắp không thuộc quy mô nhỏ. Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác, mức độ cạnh tranh ở nhiều gói thầu xây lắp lựa chọn nhà thầu qua mạng của Bình Phước chưa cao, khá nhiều nhà thầu may mắn “một mình một sân”.
Đơn cử là sự trúng thầu khá thú vị của Công ty TNHH MTV Xây dựng Cầu đường Tuấn Tú. Là nhà thầu có trụ sở tại Bình Phước, Cầu đường Tuấn Tú trong 3 năm qua trúng khá nhiều gói thầu ở địa phương này, chủ yếu là các gói đấu thầu trực tiếp. Cầu đường Tuấn Tú cũng khá nhanh nhạy khi đã tham gia nhiều gói thầu đấu thầu qua mạng do các đơn vị tại Bình Phước mời thầu.
Có thể là khá may mắn với Cầu đường Tuấn Tú khi tham gia đấu thầu qua mạng nhưng cả 5 cuộc thầu đã công bố kết quả đều chỉ có một mình nhà thầu này tham dự và được lựa chọn trúng thầu.
Trong đó, có Gói thầu Xây lắp XL 03 thuộc Dự án Xây kè và hệ thống đường giao thông dọc hai bên suối Đồng Tiền và suối Tầm Vông, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước được Ban Quản lý các dự án thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước tổ chức đấu thầu qua mạng. Giá gói thầu này là 24,217 tỷ đồng. Cầu đường Tuấn Tú không có đối thủ, trúng thầu với giá 23,798 tỷ đồng. Cầu đường Tuấn Tú từng trúng thầu tại bên mời thầu này trước đó khi tham gia đấu thầu trực tiếp.
Tương tự, từng trúng rất nhiều gói thầu đấu thầu trực tiếp do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng (ĐTXD) thị xã Bình Long mời thầu, Cầu đường Tuấn Tú cũng không có đối thủ khi tham gia 2 gói thầu qua mạng do bên mời thầu này tổ chức.
Cầu đường Tuấn Tú không phải là nhà thầu may mắn duy nhất, còn nhiều cái tên khác như Công ty TNHH MTV Quang Long, Công ty TNHH Cầu đường Đồng Phú – những nhà thầu trúng nhiều gói thầu xây lắp tại Bình Phước, khi tham gia đấu thầu qua mạng cũng thường “một mình một sân” hoặc chỉ có rất ít đối thủ.
Theo Báo cáo công tác đấu thầu của tỉnh Bình Phước, năm 2017 Tỉnh vẫn chưa thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng, với lý giải của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là do hạ tầng chưa đồng bộ, nhân sự hạn chế, công tác đấu thầu qua mạng còn mới nên việc thực hiện khó khăn. Như vậy, Bình Phước mới triển khai đấu thầu qua mạng từ năm 2018.
Tuy vậy, Bình Phước đã nhanh chóng đẩy mạnh áp dụng hình thức đấu thầu này. Số liệu thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, Bình Phước là địa phương đi đầu trong áp dụng đấu thầu qua mạng, với tỷ lệ đấu thầu qua mạng đạt 58,8% tổng số gói thầu. Cụ thể, đã có 357 gói thầu đấu thầu qua mạng với tổng giá trị 3.298 tỷ đồng, trong khi đấu thầu trực tiếp là 250 gói, tổng giá trị 2.168 tỷ đồng. Có khá nhiều gói thầu xây lắp trên 20 tỷ đồng đã được các đơn vị của Bình Phước đấu thầu qua mạng.
Với tỷ lệ áp dụng cao, giá trị gói thầu thường lớn hơn các lĩnh vực khác, mức độ cạnh tranh trong đấu thầu qua mạng của các gói thầu xây lắp cũng sẽ có tác động nhất định đến hiệu quả công tác đấu thầu nói chung của tỉnh Bình Phước.
Theo một chuyên gia, thời gian đầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, mức độ tham gia của nhà thầu còn ít là điều dễ hiểu, trong đó có nguyên nhân rất lớn là nhà thầu chưa quan tâm, không nắm được thông tin, cách tham dự. Khi tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng cao hơn, thì địa phương cũng nên lưu tâm đến vấn đề đẩy mạnh tuyên truyền, không chỉ phía cơ quan nhà nước, mà cả nhà thầu, để đấu thầu qua mạng có sự cạnh tranh cao hơn.
Theo Báo đấu thầu