Theo tìm hiểu của PV, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán là DPR, là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN), có trụ sở tại huyện Đồng Phú (Bình Phước) đã tham gia cổ đông để thanh lập công ty con mang tên Công ty Cổ phần Gỗ Đồng Phú (trụ sở công ty đặt tại KCN Đồng Xoài 1, TX. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Thời điểm Công ty Gỗ Đồng Phú ra đời vốn điều lệ chỉ là 40 tỷ đồng gồm ba cổ đông: Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú góp 16 tỷ đồng, chiếm 40% điều lệ; Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú góp 23,8 tỷ đồng, chiếm 59,5% điều lệ và một cá nhân góp 200 triệu đồng, chiếm 0,5% điều lệ.
Trụ sở Công ty Cổ phần Gỗ Đồng Phú
Tuy nhiên, sau 3 năm hoạt động (đến cuối năm 2014) Công ty Gỗ Đồng Phú tổng kết lại thì thấy thua lỗ nặng, mất cân đối gần 30 tỷ đồng. Sau đó, để giải quyết tình thế cấp bách, Hội đồng quản trị Công ty Gỗ Đồng Phú chấp thuận cho hai cổ đông mới vào tham gia là Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú và một cổ đông cá nhân. Lúc bấy giờ, vốn điều lệ của công ty này được tăng lên tới 50 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của doanh nghiệp có vốn nhà nước là Công ty Cao su Đồng Phú tăng tỷ lệ lên 52% (tương đương 26 tỷ đồng).
Đến năm 2015, Công ty Ngọc Giàu và một cá nhân khác được lãnh đạo Công ty Cao su Đồng Phú tìm đến mời mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú và một cá nhân khác trước đó với lý do là Công ty Gỗ Đồng Phú đang gặp khó khăn về tài chính. Do được thuyết phục và muốn góp sức gầy dựng lại Công ty Gỗ Đồng Phú nên đại diện Công ty Ngọc Giàu đến gặp và chính thức làm việc với ông Đặng Gia Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cao su Đồng Phú (doanh nghiệp nhà nước), kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Đồng Phú và ông Trần Hữu Loan – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú.
Tại đây, đại diện Công ty Ngọc Giàu được cung cấp các thông tin, tài liệu chứng minh rằng Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú và một cổ đông cá nhân đã góp đủ vốn là Tài sản có giá trị 24 tỷ đồng vào Công ty Gỗ Đồng Phú, đều đang là cổ đông của công ty.
Sau quá trình bàn bạc, Công ty Ngọc Giàu quyết định mua lại toàn bộ số cổ phần của Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú, một cổ đông cá nhân khác mua lại toàn bộ cổ phần của của cổ đông cá nhân trước đó tại Công ty Cổ phần Gỗ Đồng Phú với giá 24 tỷ đồng. Theo đó, vào ngày 30/06/2015 ông chủ doanh nghiệp vốn nhà nước Đặng Gia Anh ký Giấy xác nhận Công ty Ngọc Giàu và cô đông cá nhân mới chính thức trở thành cổ đông của Công ty Gỗ Đồng Phú.
Báo cáo ngưng hoạt động Công ty Gỗ Đồng Phú
Khi đã trở thành “người trong một nhà”, hai cổ đông mới là Công ty Ngọc Giàu và cổ đông cá nhân kiểm tra giấy tờ mới “tá hỏa” khi biết phần góp vốn bằng tài sản (nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất thuê) của cổ đông trước dù được định giá tới 24 tỷ đồng nhưng tất cả chỉ nằm trên giấy tờ. Tệ hơn, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan phần vốn góp này đã bị cổ đông cũ là Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú mang đi cầm cố ngân hàng.
Từ những sự thật được phơi bày, cổ đông mới là Công ty Ngọc Giàu và cổ đông cá nhân khác cho rằng họ đã bị HĐQT và cổ đông cũ của Công ty Gỗ Đồng Phú lừa đảo. Cụ thể, cổ đông mới đã bỏ tiền mặt mua phần góp vốn ảo.
Về mặt pháp lý, Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, nếu dựa vào việc tham gia cổ đông của Công ty Gỗ Đồng Phú và chiếu theo quy định pháp luật, buộc Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú có nghĩa vụ phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho Công ty Gỗ Đồng Phú. Việc góp vốn cổ phần chỉ được xem là xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã thanh toán, chuyển tên sang công ty.
Theo Điều 84 của Luật Doanh nghiệp (2005) cũng quy định trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì Công ty có nghĩa vụ báo cáo cụ thể về việc thanh toán đủ vốn góp và Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú sẽ chỉ được công nhận là cổ đông khi đã thanh toán đủ phần vốn góp (chuyển tên quyền sở hữu Tài sản sang cho Công ty Gỗ Đồng Phú).
Tuy nhiên, Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú và ông Đặng Gia Anh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cao su Đồng Phú, kiểm Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Đồng Phú) đã không hề thực hiện nghĩa vụ trên; không tổ chức sang tên tài sản góp vốn, vẫn mặc nhiên công nhận Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú là cổ đông lớn. Hành vi của HĐQT Công ty Gỗ Đồng Phú không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây thiệt hại đến 23,8 tỷ đồng do tài sản góp vốn là ảo, chưa từng là tài sản hợp pháp của Công ty Gỗ Đồng Phú, thực chất đã bị mang đi thế chấp ngân hàng.
Có thể nói, những thiệt hại trên có dấu hiệu lợi ích nhóm, thiếu tinh thần trách nhiệm làm thất thoát vốn góp của doanh nghiệp nhà nước. Được biết, ngày 7/10, Công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú đã thông qua Đại hội Cổ đông, chủ trương giải thể công ty do những bất đồng không thể dàn xếp được giữa các cổ đông góp vốn.
Liên quan đến vụ việc, ông Đặng Gia Anh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cao su Đồng Phú, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gỗ Đồng Phú) xác nhận Công ty Gỗ Đồng Phú giải thể và cho biết sẽ làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể. Đồng thời, sẽ có biện pháp để thu hồi tài sản, không để thất thoát. Tuy nhiên, cổ đông cho rằng lỗi để xảy ra tình trạng “phá sản” của Công ty Gỗ Đồng Phú do ông Đặng Gia Anh.
Báo Công lý & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc
Nhân Tâm