Dù Mỹ đang thiếu hụt một lượng lớn mật ong, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn xuất khẩu cầm chừng sang thị trường này. Bởi, với mức thuế chống bán phá giá (CBPG) bị áp từ 58,74-61,27%, mật ong Việt không thể cạnh tranh với hàng của Ấn Độ.

Tiếp tục bị kháng kiện mức thuế cao hơn

Mỹ là khách hàng lớn nhất của mật ong Việt Nam, chiếm khoảng 95% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam và đã áp thuế chống bán phá giá (CBPG) mật ong Việt Nam từ 410,93-413,99%.

Doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của nước ta bị “sốc” khi hay tin, bởi đây là mức thuế cao chót vót. Xuất khẩu mật ong gần như “đóng băng” ngay lập tức.

Sau đó, mức thuế CBPG với sản phẩm mật ong Mỹ áp dụng chính thức cho các doanh nghiệp Việt giảm còn 58,74-61,27%, tức giảm khoảng 7 lần so với trước đó.

Thông tin từ Bộ Công Thương mới đây, tại Mỹ, có hai cơ quan tham gia vào một vụ việc điều tra CBPG là DOC (xác định mức thuế CBPG) và Ủy ban Thương mại Quốc tế – ITC (xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước). Biện pháp CBPG sẽ chính thức có hiệu lực trên cơ sở kết luận cuối cùng về bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế CBPG ở mức 58,74% đến 61,27% Dựa trên cơ sở thiệt hại của ngành sản xuất mật ong tại Mỹ mà ITC kết luận cuối cùng, DOC đã thông báo chính thức áp thuế CBPG với mật ong nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, mức thuế CBPG bằng với biên độ bán phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam từ 58,74% đến 61,27% và mức thuế này được áp dụng với các lô hàng mật ong nhập khẩu vào Mỹ từ 25/8/2022. Thời gian áp thuế thông thường là 5 năm và DOC có thể tiến hành rà soát hành chính thuế CBPG hàng năm.

Tuy nhiên, đầu tháng 7 vừa qua, nguyên đơn của vụ việc là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội mật ong Sioux đã nộp thông báo kháng kiện lên Toà án Thương mại Quốc tế Mỹ về kết luận cuối cùng của DOC đối với mật ong Việt Nam.

Trường hợp nguyên đơn thắng kiện, phán quyết của CIT (Toà án có thẩm quyền trong trường hợp này là CIT) có thể ảnh hưởng tới kết luận áp thuế của DOC đối với mật ong Việt Nam.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Đinh Quyết Tâm – Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, cho rằng, khi nguyên đơn kháng kiện, vấn đề thuế CBPG sẽ được xem xét lại. Song ông dự đoán, mức thuế có thể giữ nguyên 58,74-61,27%.

Nhưng với mức thuế này, mật ong Việt Nam ở thế yếu khi cạnh tranh với mặt hàng này của nhiều nước khác xuất khẩu vào Mỹ. Cụ thể, mức thuế CBPG mà Mỹ áp dụng cho Ấn Độ chỉ 5,85%, trong khi mức áp dụng đối với Việt Nam cao gấp 10 lần.

“Mật ong của Việt Nam không thể cạnh tranh được với sản phẩm mật ong cùng loại của Ấn Độ tại thị trường Mỹ”, ông Tâm nhấn mạnh.

Năm 2001, Mỹ cũng áp thuế CBPG với sản phẩm mật ong của Trung Quốc, mức thuế là 245%. Các doanh nghiệp Trung Quốc phải bỏ luôn thị trường này dù thời điểm đó, Trung Quốc dẫn đầu về xuất khẩu mật ong vào Mỹ.

Nông dân thu hẹp quy mô chăn nuôi

Theo số liệu của ITC, sau 3 tháng liên tiếp không xuất khẩu được sang Mỹ (từ tháng 2-4/2022), doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu đã xuất khẩu trở lại từ tháng 5.

Quý I năm nay, lượng mật ong xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ giảm mạnh, gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 10.532 tấn xuống còn 1.145 tấn. Đây cũng là khối lượng thấp nhất mà ngành mật ong Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong hơn 10 năm trở lại đây.

Ông Đinh Quyết Tâm cho biết, mật ong Việt Nam đã xuất khẩu sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện, nước ta có gần 40.000 hộ gia đình sinh sống bằng nghề nuôi ong.

Mật ong Việt sẽ khó cạnh tranh với mật ong của các nước khác tại thị trường Mỹ 

Sản lượng mật ong của cả nước đạt bình quân 57.000 tấn/năm, trong đó 90% tiêu thụ qua kênh xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu dao động từ 70-100 triệu USD/năm. Mật ong xuất khẩu sang Mỹ chiếm 95% kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam.

Việc Mỹ áp thuế CBPG ảnh hưởng tương đối lớn tới ngành hàng mật ong của Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu mật ong sang Mỹ của các doanh nghiệp diễn ra cầm chừng, các hộ chăn nuôi ong lấy mật ở nước ta cũng thu hẹp quy mô, ông cho hay.

Bà Huỳnh Thị Ngọc – chủ một cơ sở nuôi ong tại Xuân Lộc (Đồng Nai) – chia sẻ, gia đình bà hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong cũng như kinh doanh mặt hàng này. Chưa bao giờ thị trường xuất khẩu lại gặp khó khăn như giai đoạn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mật ong lớn trên địa bàn tỉnh giảm quy mô hoạt động, thậm chí đóng cửa.

Theo đại diện Hội nuôi Ong Việt Nam, năm ngoái, Việt Nam xuẩt khẩu hơn 56.000 tấn mật ong vào thị trường Mỹ. Việc dừng giao thương từ tháng 10 năm ngoái đến nay gây ra sự thiếu hụt lớn tại thị trường Mỹ và đẩy giá mật ong tại đây lên cao hơn.

“Như thông tin tôi nắm bắt được, Mỹ đang thiếu hụt một lượng mật ong lớn cho tiêu dùng trong nước”, ông Tâm nói. Để bù đắp sớm khoảng trống này, ông hy vọng Mỹ sẽ xem xét lại công bằng hơn cho sản xuất mật ong Việt Nam, tạo cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), với mức thuế suất 58,74-61,27% thì mật ong Việt Nam vẫn cơ hội để xuất khẩu vào Mỹ. Vị này cho biết, mấy tháng gần đây xuất khẩu mật ong sang Mỹ đã tăng trở lại.

Về vấn đề nguyên đơn thông báo kháng kiện lên Toà án Thương mại Quốc tế Mỹ, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho rằng đó là họ áp dụng theo luật pháp Mỹ. Họ kiện với cơ quan chức năng của Mỹ. Còn mức thuế CBPG áp với mật ong Việt Nam mỗi năm sẽ rà soát một lần. Khi đó, tùy vào tình hình, kết luận có thể giảm, giữ nguyên hoặc tăng.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chống bán phá giámật ông thuếmật ong xuất khẩu

Các tin liên quan đến bài viết