Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu với những dịch bệnh đã có vắc xin, phải xóa ‘vùng lõm’ tiêm chủng. Ông nêu thực tế qua kiểm tra, đa số ca bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên vừa qua đều xảy ra ở ‘vùng lõm’ tiêm chủng.
Sáng 21-9, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 700 điểm cầu về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020.
Theo thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, từ đầu năm 2020, các nước trên thế giới và Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19.
Ông Tuyên khẳng định tại Việt Nam, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả tốt, được các nước và người dân đánh giá cao, đến nay kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ngoài diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dịch bệnh sốt xuất huyết rất đáng cảnh báo khi chưa có vắc xin, chưa có thuốc đặc trị.
Đáng lưu ý, sau rất nhiều năm, vừa qua tại các tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện trở lại các ca mắc bệnh bạch hầu.
“Với dịch bệnh đã có vắc xin, công tác tiêm chủng là đặc biệt quan trọng. Với dịch bệnh bạch hầu xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên vừa qua, khi vào kiểm tra mới thấy đa số các ca bệnh xảy ra ở ‘vùng lõm’ tiêm chủng. Vì vậy, phải giải quyết tình trạng ‘vùng lõm’ tiêm chủng, nhưng trong tiêm chủng phải an toàn” – ông Tuyên nhấn mạnh.
Ông Đặng Quang Tấn, cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết các xã có ổ dịch bạch hầu vừa qua chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Tấn cũng nêu thực tế sau nhiều năm không ghi nhận ca bệnh bạch hầu, khi xuất hiện trở lại thì người bệnh có triệu chứng, vào khám ở trạm y tế lại không nghĩ đến bạch hầu, đến khi chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu thì bệnh đã nặng hơn.
Theo ông Trần Như Dương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, với những dịch bệnh đã có vắc xin phòng bệnh, cụ thể như với bệnh bạch hầu, việc tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.
Một chuyên gia dịch tễ cho rằng việc cập nhật thường xuyên triệu chứng lâm sàng của bệnh là rất quan trọng. Vị này cho rằng thực tế vì bệnh bạch hầu lâu năm mới xuất hiện trở lại, vừa qua có cả tình trạng dù có triệu chứng nhưng ngay cả hệ thống y tế tuyến huyện, chẩn đoán ban đầu vẫn cứ nghĩ chung chung là viêm họng.
Theo ông Dương, với các ca bệnh lâm sàng có triệu chứng sốt, đau họng, chảy nước mũi và kèm theo giả mạc ở amydal hoặc thành sau họng, mũi với đặc điểm màu trắng ngà hoặc xám, bóng, dai, dính chặt, nếu bóc sẽ bị chảy máu, có thể khàn tiếng, khó thở thanh quản, có thể hạc góc hàm sưng to, có biểu hiện tình trạng nhiễm độc toàn thân, mệt mỏi, da xanh tái, phải nghi ngờ mắc bạch hầu.
Tại hội nghị, ông Đặng Quang Tấn cũng cho biết để phòng, chống dịch bạch hầu, Thủ tướng đã quyết định chi 65 tỉ đồng mua vắc xin tiêm chủng phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và tập huấn phòng, chống dịch tại đây.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý những tháng còn lại của năm 2020, đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có những biện pháp quyết liệt trong phòng, chống.
“Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, không địa phương nào, đơn vị nào để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch. Vì vậy, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch, kiên quyết ngăn chặn nguồn lây, khoanh vùng dập dịch nhanh” – ông Tuyên quán triệt.
Ông Tuyên nhấn mạnh trong phòng, chống dịch bệnh tới đây phải đánh giá kỹ tình hình, nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm ở từng tỉnh, từng thành phố vì nguy cơ bùng phát dịch các vùng miền khác nhau.
Nguồn: tuoitre.vn