Chia sẻ với Tuổi Trẻ, hai trí thức Thái Lan gốc Việt nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ trong cuộc bầu cử Thái Lan ngày 14-5, sự kiện chính trị mà người Thái đã chờ đợi tám năm.
Những ứng viên chính cho vị trí thủ tướng Thái Lan
* Giáo sư Lae Dilokvidhyarat (gốc Việt, giáo sư danh dự khoa kinh tế Đại học Chulalongkorn):
Người dân muốn sự thay đổi
Giáo sư Lae Dilokvidhyarat
Mặc dù có nhiều chính đảng tham gia cuộc bầu cử năm nay, chúng ta có thể thấy có ba nhóm mạnh nhất.
Một là liên minh cầm quyền cũ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, đại diện cho những người lớn tuổi có quan điểm bảo thủ. Liên minh này gồm nhiều đảng như Palang Pracharat, Chatthai Pathana, Dân chủ, Bhumjaithai và các đảng nhỏ.
Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) đối lập là một đảng chính trị chuyên nghiệp nhưng mang tính truyền thống, được nhiều người ủng hộ nhưng không được nhiều người trẻ ủng hộ.
Cử tri trẻ ở Thái Lan (vốn chiếm đa số) chọn một đảng chính trị đang lên rất nhanh và rất tốt là Move Forward (Đảng Tiến bước) với quan điểm dân chủ và cấp tiến. Khảo sát cho thấy Đảng Move Forward đang nhận được sự ủng hộ nhiều nhất, đứng thứ hai là Pheu Thai.
Thái Lan đã chờ tám năm cho một cuộc bầu cử và nhóm dân số trẻ (những người có thu nhập trung bình và quan tâm chính trị) chiếm phần lớn. Điều này cho thấy giới trẻ sẽ có tiếng nói đáng kể trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Người dân muốn sự thay đổi về chính sách lẫn chính phủ, trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn.
Việc bầu chọn thủ tướng mới trong trường hợp có đảng chiến thắng tuyệt đối sẽ khá đơn giản. Nếu liên minh đảng cầm quyền cũ chỉ được số lượng phiếu thấp và một trong hai đảng đối lập chính giành chiến thắng tuyệt đối, các nghị sĩ sẽ bầu theo xu thế lựa chọn của các cử tri. Nghĩa là, giả sử Pheu Thai được đa số, thủ tướng nhiều khả năng sẽ là ứng cử viên của Pheu Thai.
Nhưng trong trường hợp không đảng nào giành đa số cách biệt, ghế thủ tướng sẽ thuộc về ai là điều không chắc chắn. Quyết định có thể nằm trong tay 250 thượng nghị sĩ ở Thượng viện. Trong tình huống này, liên minh đảng cầm quyền cũ sẽ có thể liên minh với vài đảng khác để thành lập liên minh đa số. Do đó, ai là thủ tướng là chưa thể nhận định rõ ở thời điểm này.
* PGS.TS Patthida Bunchavalit (Việt kiều Thái Lan):
Người Thái cần thấy đất nước phát triển
PGS.TS Patthida Bunchavalit
Tôi chờ mong cuộc bầu cử này lắm nên chắc chắn sẽ đi bỏ phiếu. Tôi sẽ chọn đảng có chính sách rõ ràng và làm việc hết sức cho người dân.
Là người rất quan tâm đến chính trị Thái Lan và theo dõi cuộc họp quốc hội thường xuyên, tôi thấy rõ đảng nào làm việc hết sức cho người dân và đảng nào không thể trả lời, giải thích các câu hỏi mà các đảng khác đặt ra.
Tôi mong thủ tướng tương lai của Thái Lan là người có thể đại diện cho toàn dân Thái ở quốc tế; có nhân cách và thái độ tốt, có sự trưởng thành về nhận thức và cảm xúc; biết sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm; có thể giải quyết các vấn đề một cách mạnh mẽ, minh bạch, công bằng; biết chấp nhận những ý kiến khác của các đảng cũng như lắng nghe các ý kiến của người dân và đặt lợi ích của nhân dân trên hết.
Trong cuộc bầu cử này, các ứng viên thủ tướng đều có ưu nhược điểm khác nhau. Nếu hỏi là ứng viên nào tốt nhất, hiện tại tôi cảm thấy khó trả lời. Theo tôi, đây là thời điểm của ứng viên thế hệ trẻ.
Người dân Thái cần thấy đất nước phát triển và đổi mới nên tôi sẽ trao cơ hội cho đảng đại diện thế hệ trẻ phụng sự đất nước, nhưng tôi cũng tôn trọng đảng có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo đất nước.
Là thế hệ Millennials đời đầu (sinh năm 1981), tôi đã chứng kiến tình hình đất nước qua nhiều giai đoạn. Tôi quyết định sẽ sử dụng quyền bỏ phiếu của mình để bầu cho đảng đại diện cho thế hệ mới, chính sách mới, ý kiến mới để mang đến đổi mới cho đất nước.
Kỳ bầu cử trước đây tôi bỏ phiếu tại Đại sứ quán Thái Lan ở Hà Nội vì khi đó tôi đang học tiến sĩ ở Việt Nam. Với kỳ bầu cử này, tôi và cộng đồng người Thái gốc Việt đều rất sẵn sàng và chờ đợi tham gia bỏ phiếu.
Tôi tham gia một nhóm Việt kiều toàn Thái Lan nên có thể khẳng định cuộc bầu cử này rất được bà con Việt kiều Thái Lan quan tâm và chủ động đi bầu.
Bầu thủ tướng ra sao?
Cuộc bầu cử ngày 14-5 sẽ bầu chọn 500 ghế nghị sĩ ở Hạ viện, trong đó 400 nghị sĩ được bầu trực tiếp tại các khu vực bầu cử và 100 ghế được phân bổ dựa theo tỉ lệ tổng phiếu bầu mà mỗi đảng giành được.
Trong khi đó, Thượng viện Thái Lan có 250 ghế do Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO) – vốn có các thành viên đều là tướng tá quân đội – chỉ định. Cả Hạ viện và Thượng viện sẽ cùng bầu ra thủ tướng mới. Người đắc cử thủ tướng phải giành được từ 376/750 phiếu trở lên.
Nguồn: tuoitre.vn