Toàn tỉnh hiện có 99 doanh nghiệp (DN) sản xuất – kinh doanh tại 8 khu công nghiệp (KCN), thu hút 42.450 lao động, trong đó 779 lao động nước ngoài. Việc thu hút dự án đầu tư tại các KCN góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho lao động và DN ở các KCN theo quy định pháp luật.
THAY ĐỔI TÍCH CỰC Ở CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
Nhiều năm trở lại đây, được lãnh đạo tỉnh ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động tại các KCN, Ban quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) tỉnh đã triển khai nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức hội nghị thường niên tại các KCN và xây dựng đề án liên quan nhằm trang bị cho người lao động cũng như người sử dụng lao động kiến thức pháp lý cần thiết về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản của tỉnh. Điều đó giúp cả người lao động và người sử dụng lao động nắm rõ quy định về chế độ tiền lương, tăng ca, tăng giờ dịp lễ, tết, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm… Ngoài ra, BQLKKT còn phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công đoàn các KCN, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân tư vấn, giải đáp kịp thời những thắc mắc về chế độ, chính sách dành cho người lao động và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hội thi nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.
Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động là cách “giữ chân” công nhân tốt nhất (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Ông Đào Văn Hoàng, Phó trưởng BQLKKT cho biết: “Nhìn chung, qua các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động tại các KCN trong thực hiện các quy định pháp luật. Từ đó đã chuyển biến thành hành động chấp hành tốt luật hiện hành. Để DN kịp thời nắm đầy đủ, có trọng tâm, trọng điểm văn bản mới, BQLKKT chủ động xây dựng văn bản hướng dẫn sau khi có luật mới hoặc nghị định, thông tư của các bộ, ngành, Chính phủ… Đồng thời, thường xuyên cập nhật, đăng tải toàn bộ văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý trên website của ban nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN truy cập khi cần thiết”.
Ngoài ra, để hỗ trợ DN đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ thuật, tay nghề, BQLKKT thường xuyên phối hợp các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng ngắn hạn, khóa đào tạo nghề như: Kỹ thuật điện – điện tử, công nghệ thông tin, điện dân dụng và công nghiệp… Đối với tuyển dụng lao động, BQLKKT cũng đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) hỗ trợ DN tham gia các phiên giao dịch việc làm để tuyển dụng theo nhu cầu.
NHỮNG TỒN TẠI, BẤT CẬP CẦN ĐƯỢC THÁO GỠ
Hiện trong số 99 DN vẫn còn 35 DN chưa xây dựng nội quy lao động và 69 DN chưa thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Theo kết quả giám sát của lãnh đạo Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, một số DN và người lao động nhận thức chưa đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình trong thực hiện các quy định, chính sách liên quan đến lao động. Ý thức thực hiện các nội quy về lao động chưa cao. Đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn lao động.
Công tác quản lý nhà nước nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho lao động và DN ở các KCN theo quy định pháp luật còn gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Đường vào Khu công nghiệp Minh Hưng III, Chơn Thành – Ảnh: C.T
Ông Nguyễn Hồng Trà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, đa số lao động ở các KCN hiện nay là lao động phổ thông. Bởi thực tế nhu cầu công việc của DN hiện chưa cần lao động công nghệ cao nên DN từ chối tuyển lao động trình độ cao, vì trình độ công nhân gắn với việc trả lương. Nhưng qua khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh lại cho thấy do trình độ thấp khiến việc tuân thủ pháp luật của người lao động chưa cao, ý thức kỷ luật kém. Bên cạnh đó, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận lao động mà DN đã vi phạm giải quyết quyền lợi, cũng như thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động. Đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để…
Bên cạnh đó, một số DN trong KCN nợ đọng bảo hiểm xã hội nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu thu hồi cũng là trăn trở của đơn vị hữu quan trong công tác quản lý nhà nước về lao động ở các KCN hiện nay. Việc xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp tại các KCN và nhà ở cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh hiện chưa được quan tâm đúng mức. Trong số 42.450 lao động làm việc tại 8 KCN thì có tới 29.400 lao động phải thuê nhà trọ. Nhiều khu nhà trọ nhỏ hẹp, không đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự và thiếu không gian sinh hoạt đã hạn chế việc “giữ chân” công nhân, tạo môi trường làm việc gắn bó lâu dài giữa người lao động và DN. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ duy nhất ở xã Minh Hưng (Chơn Thành) có “Khu nhà trọ văn hóa” đáp ứng đầy đủ trang thiết bị nghe nhìn và khu vui chơi giải trí cho người lao động. Đặc biệt, một số DN hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân từ 100-150 ngàn đồng/người/tháng. Về vấn đề này, ông Đào Văn Hoàng, Phó BQLKKT mong muốn UBND tỉnh có cơ chế thuận lợi để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Nguồn Báo Bình Phước