Họ là những y bác sĩ thuộc đơn vị cuối cùng của Bộ Y tế còn lại tại TP.HCM. Họ vẫn đang tận lực mỗi ngày mỗi giờ vì bệnh nhân, mà không màng đến ngày trở về.

Trưởng khoa viết đơn tình nguyện chống dịch

“Bệnh nhân chuyển đến vào ngày 28/10. Ngày 30/10 được chỉ định chạy ECMO. Diễn tiến rất nhanh, phổi xấu lắm, chỉ số tắc mạch rất cao. Bình thường chỉ dưới 500 thôi nhưng ca này lên đến 38 ngàn…”

Tiến sĩ Nguyễn Tất Dũng giải thích tình trạng của bệnh nhân giường số 25 thông qua bộ đàm và màn hình quan sát. Đó là 1 trong 2 ca đang chạy ECMO tại Trung tâm hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM: Chúng tôi không nghĩ đến ngày về
TS BS Nguyễn Tất Dũng nghe báo cáo tình hình từ khu điều trị bệnh nhân nặng.

Vừa có mặt tại Trung tâm, TS Dũng đã theo sát các ca bệnh nặng nhất. Ông là trưởng khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế, vừa tăng cường cho TP.HCM cách đây vài ngày.

“Tôi đã viết đơn tình nguyện vào TP rất nhiều lần rồi. Đến giờ này, mới được Ban giám đốc điều động, có mặt cùng anh em chăm sóc bệnh nhân nặng”, TS Dũng chia sẻ.

Suốt đợt dịch vừa qua, TS Dũng luôn theo dõi tình hình điều trị của Trung tâm Hồi sức tại TP.HCM, nhưng khi có mặt trực tiếp, ông không khỏi ngạc nhiên và nể phục với hệ thống cơ sở vật chất tại đây.

“Một cơ sở dã chiến mà có đầy đủ hệ thống ECMO, lọc máu, các phương tiện hồi sức cho bệnh nhân nặng. Những gì các Trung tâm Hồi sức chính quy có, thì ở đây cũng có. Chỉ trong 1 thời gian ngắn mà Ban lãnh đạo và những người xây dựng ban đầu có thể thiết lập được Trung tâm này, tôi thật sự rất khâm phục”, ông cho biết.

Sau khi một số bệnh viện tuyến Trung ương đã hoàn thành nhiệm vụ và rút quân, Bệnh viện Trung ương Huế vẫn duy trì nhiệm vụ tại TP.HCM. Họ là những người sẽ trở về nhà cuối cùng khi dịch lắng xuống.

Không chỉ thế, bệnh viện còn điều thêm hàng chục thầy thuốc tăng cường vào cuối tháng 10. Dù kinh nghiệm dày dặn, nhưng TS Dũng không khỏi có chút căng thẳng khi làm việc trong bộ đồ bảo hộ.

“Một số anh em nếu không quen khi mặc bộ đồ này, có lẽ sẽ xỉu mất. Vừa mất nước lại thiếu khí; hơi nước, mồ hôi làm mờ hết cả kính. Đó là áp lực lớn nhất, chứ không phải vì xa nhà hay vất vả, những điều đó thì chúng tôi đã quen rồi”, TS Dũng chia sẻ trải nghiệm trong những ngày đầu tiên.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM: Chúng tôi không nghĩ đến ngày về
Khu vực quan sát toàn bộ bệnh nhân của Trung tâm Hồi sức Covid-19.

Tại đây, ông cũng chứng kiến không chỉ có sự giành giật tính mạng cho người bệnh Covid-19, mà còn là tấm lòng, nhiệt huyết của đồng nghiệp. Bệnh nhân nằm điều trị lâu ngày, nên cần được thay đổi tư thế để chống loét, được tắm rửa gội đầu hay xoa bóp cho bớt đau nhức…bởi các điều dưỡng hoặc chính bác sĩ.

Khoảng 60 trường hợp đang được theo dõi tại khu hồi sức, trong đó có đến 40 ca nặng phải thở máy. Dịch giảm dần, nhưng trách nhiệm vẫn còn nguyên đó.

“Tôi nói với vợ, mình sẽ đi cho đến lúc hết dịch. Bao giờ về, ai về, ai thay, mọi người ở đây đều không nghĩ đến”, TS BS Nguyễn Tất Dũng trải lòng.

Gần 30 y bác sĩ tình nguyện bám lại TP.HCM

Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Đình Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức, bệnh viện đang hoạt động theo mô hình 3 tầng: Khu hồi sức, khu bệnh nhân nặng và khu bệnh nhân nhẹ. Tổng số bệnh nhân đang điều trị là 240 ca.

“Hiện lượng bệnh nặng dù có giảm nhưng vẫn còn nhiều. Trung tâm phụ trách đón bệnh từ 11 bệnh viện khác chuyển đến, nên tình hình vẫn còn căng thẳng”, BS Khoa nhận định.

Dẫn chứng thực tế, bác sĩ Nguyễn Đình Khoa cho biết nhân lực chỉ tăng cường thêm chứ không giảm đi. Trung tâm vừa rút 33 người về Huế nhưng điều thêm đến 40 người thay thế. Trong đó có chuyên gia như Tiến sĩ Nguyễn Tất Dũng, người đứng đầu khoa Hồi sức tích cực.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM: Chúng tôi không nghĩ đến ngày về
Một bệnh nhân đang chạy ECMO tại Trung tâm Hồi sức Covid-19

Trung tâm hiện có khoảng 450 nhân viên y tế từ nhiều nơi như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam – Cuba Đồng Hới, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa. Lực lượng được huy động từ tháng 8/2021.

Khi Trung tâm mới hoạt động, rất nhiều nhân viên y tế bị sốc. Vì có ngày, ghi nhận từ 15 đến 20 trường hợp tử vong. Chấp nhận dần áp lực, anh em nhân viên y tế động viên nhau vượt qua thời gian khó khăn nhất.

Đến thời điểm này, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 đã giảm mạnh, mỗi ngày còn khoảng 5 ca trở xuống. Thế nhưng những sang chấn thì ít nhiều còn đó.

Trong nhóm y bác sĩ vừa trở về Huế để thay quân, có người vẫn còn nghe tiếng máy móc “tit tit” suốt đêm. Đó là âm thanh của khu hồi sức tích cực với hàng chục dàn máy, thiết bị y tế hoạt động suốt 2 tháng trời.

“Khi đi ngủ rồi cũng tưởng còn tiếng máy kêu, anh em cảm giác như đến giờ dậy để đi tua trực, dù đã về Huế rồi”, bác sĩ Khoa cười buồn.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM: Chúng tôi không nghĩ đến ngày về
Bệnh nhân nặng đã giảm so với giai đoạn đầu.

Khi đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức hoàn thành nhiệm vụ trở về Hà Nội, các bác sĩ không tránh khỏi phút suy tư. Nhưng, nhìn người bệnh vẫn còn nhiều, còn nặng, họ lại thêm kiên tâm, tận tụy đồng hành cùng TP đến cuối cùng.

“Đáng lý ra đợt này có 60 nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế rút về để nghỉ ngơi nhưng gần 1 nửa tình nguyện tiếp tục ở lại chăm sóc người bệnh. Vẫn còn những ca chạy ECMO, lọc máu và thở máy, nên áp lực vẫn còn căng thẳng”, BS Nguyễn Đình Khoa cho hay.

Theo thống kê, nơi này đã tiếp nhận khoảng 1.200 bệnh nhân, hơn 90% là bệnh nặng và rất nặng, có bệnh nền, người cao tuổi… phải thở máy, lọc máu liên tục.

Trước đây, bệnh nhân từ tầng dưới chuyển lên Trung tâm thường rất muộn và nặng. Nhiều ca khi vào đến nơi đã nguy kịch, gần như tử vong. Thế nhưng giờ này, việc chuyển tuyến đã “êm” hơn, sớm hơn và bớt hẳn các ca nguy kịch như vậy.

Theo kế hoạch của Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế cùng Bệnh viện dã chiến số 14 được nhập thành Bệnh viện dã chiến 3 tầng đáp ứng tình hình dịch hiện tại. Đến cuối năm 2021, Bệnh viện được chuyển giao cho Bệnh viện Nhân dân 115.

Khi đó, các y bác sĩ sẽ trở về bên gia đình sau những tháng ngày ân tình với người dân TP.HCM.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bác sĩCovid-19 TP.HCM

Các tin liên quan đến bài viết