Ở tuổi 30, mối quan hệ giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đứng trước những bước ngoặt.

ASEAN - Trung Quốc: Thử thách tuổi 30 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng ngoại giao ASEAN – Trung Quốc 

Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng ngoại giao ASEAN – Trung Quốc (SACFMM) và Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao hợp tác Mekong – Lan Thương lần thứ sáu (MLC-6) đã khai màn tại TP Trùng Khánh (Trung Quốc) hôm 7-6. Đây là hai hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện đánh dấu 30 năm quan hệ ASEAN – Trung Quốc.

Xử lý những khác biệt

Để thúc đẩy hợp tác, cả ASEAN lẫn Trung Quốc đều xem hội nghị ở Trùng Khánh là dịp đối thoại, thẳng thắn đề cập tới những khác biệt và tìm cách tháo gỡ.

Trước khi sự kiện diễn ra, Malaysia tuyên bố sẽ đề cập các vấn đề tồn đọng giữa nước này với Trung Quốc, bao gồm câu chuyện Trung Quốc điều máy bay quân sự đến Biển Đông áp sát Malaysia. Hôm 3-6, Bộ Ngoại giao Malaysia đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối sự kiện trên.

Đó là một trong những vụ việc điển hình cho sự khác biệt giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN trong vấn đề trên biển. Cuộc họp cấp cao lần này có những nội dung quan trọng liên quan tới Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 19 Quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC (SOM DOC) ngày 7-6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng lưu ý: “Vẫn diễn ra tình trạng còn có các hành động đơn phương, vi phạm các quyền hợp pháp của các nước ven Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, đi ngược lại các nỗ lực chung của ASEAN – Trung Quốc”.

Thứ trưởng kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc, thiện chí với DOC và các cam kết đã có; tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS); tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán, xây dựng một văn kiện COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và được ủng hộ rộng rãi.

Bàn “hộ chiếu vắc xin”

Giữa lúc Đông Nam Á tăng tốc cho vấn đề vắc xin COVID-19, một trong các nội dung thảo luận quan trọng ở Trùng Khánh sẽ là sản xuất, chia sẻ vắc xin, cũng như kế hoạch “hộ chiếu vắc xin”.

Ngoài gắn bó với nhau về lợi ích kinh tế, ASEAN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chính sách của Trung Quốc ở khu vực, đồng thời Trung Quốc cũng trở thành đối tác quan trọng cho ASEAN về nhiều lĩnh vực hợp tác như du lịch, y tế, đầu tư…

Tờ Global Times của Trung Quốc ngày 7-6 dẫn lời chuyên gia nói Hội nghị SACFMM là dịp ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa mối quan hệ tiến lên “mà không lung lay bởi các thế lực bên ngoài cũng như các vấn đề khác”.

Trong khi đó, tờ Straits Times (Singapore) dẫn lời nhà phân tích Lye Liang cho rằng Trung Quốc xem ASEAN là nơi giúp Bắc Kinh chứng minh rằng Trung Quốc là bên có thể mang lại lợi ích cho khu vực.

“Đây là cách Trung Quốc gửi một thông điệp tới Mỹ, dọa quyết tâm tăng cường sự hiện diện trong khu vực, và quan trọng hơn là liệu Mỹ có sẵn sàng sát cánh với các đối tác Đông Nam Á hay không” – ông nói.

26,9 tỉ USD

Kinh tế là lĩnh vực hợp tác nổi bật nhất của hai bên trong thời gian qua. Trung Quốc đã duy trì vị trí đối tác thương mại số 1 của ASEAN trong 12 năm qua.

Năm 2020 chứng kiến ASEAN lần đầu vượt EU, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Tính trong 4 tháng đầu năm 2021, thương mại ASEAN – Trung Quốc đạt giá trị 26,9 tỉ USD, tăng 27,6% so với năm trước.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ASEANBộ quy tắc ứng xử ở biển ĐôngCOVID-19hộ chiếu văc xintrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết