Australia và Anh vừa trải qua ngày chết chóc nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh khiến tỷ lệ nhập viện tăng vọt.
Theo hãng thông tấn Reuters, Australia trong ngày 18/1 công bố 74 ca tử vong bởi Covid-19 trong 24 giờ qua tại 3 tiểu bang đông dân nhất nước này là New South Wales, Victoria và Queensland. Con số này vượt kỷ lục trước đó là 57 ca tử vong được ghi nhận hôm 13/1.
Tính riêng tại New South Wales, số người tử vong bởi Covid-19 trong ngày 18/1 đã lên tới 36 – con số hàng ngày cao nhất của tiểu bang này. Còn ở Victoria, trong bối cảnh số ca nhập viện gia tăng, giới chức tiểu bang đã công bố một “mã màu nâu” trong các bệnh viện, thường chỉ dành cho các trường hợp khẩn cấp ngắn hạn. Mã màu này sẽ cho phép các bệnh viện hủy bỏ những dịch vụ y tế không khẩn cấp và đình chỉ nghỉ phép đối với các nhân viên y tế.
Các nhân viên y tế làm xét nghiệm Covid-19 ngay trên xe ở Sydney, Australia, ngày 30/12 năm ngoái. |
Hơn 67.000 ca nhiễm Covid-19 mới đã được ghi nhận tại các bang New South Wales, Victoria, Queensland và Tasmania vào ngày 18/1. Con số này ít hơn nhiều so với kỷ lục 150.000 ca nhiễm mới trong ngày 13/1.
Australia đã ghi nhận khoảng 1,6 triệu ca nhiễm Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó có 1,3 triệu ca được ghi nhận trong 2 tuần qua. Tổng số người tử vong do Covid-19 tại quốc gia này là 2.757.
Cũng trong ngày 18/1, Vương quốc Anh ghi nhận 438 ca tử vong mới bởi Covid-19. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất của nước này kể từ ngày 24/2 năm ngoái.
Dù vậy, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid trước đó nói với Quốc hội rằng, các biện pháp hạn chế được áp dụng để giảm sự lây lan của biến thể Omicron sẽ được thu hẹp trở lại vào tuần tới, khi số ca nhiễm và nhập viện trong nước có vẻ đã đạt đỉnh.
Truyền thông Anh cũng đưa tin, chính phủ nước này đang xem xét loại bỏ dần các biện pháp hạn chế còn lại, bao gồm làm việc tại nhà và sử dụng hộ chiếu vắc xin.
Dù số ca nhiễm Covid-19 ở Anh đều đạt mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây, việc triển khai nhanh chóng chiến dịch tiêm liều vắc xin tăng cường và mức độ ít nghiêm trọng hơn của Omicron đồng nghĩa với việc số ca nhập viện và tử vong của nước này không tăng mạnh so với các làn sóng dịch trước đó.
Tính đến hết 18/1, Vương quốc Anh đã ghi nhận tổng cộng 152.513 ca tử vong bởi Covid-19, xếp thứ bảy thế giới, song phần lớn số ca tử vong xảy ra trong năm đầu tiên của đại dịch.
WHO kêu gọi chia sẻ dữ liệu vắc xin Covid-19
Một ủy ban của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18/1 đã thúc giục các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 cung cấp dữ liệu mà tổ chức này yêu cầu để lập danh sách các loại mũi tiêm được sử dụng khẩn cấp.
“Ủy ban đã nhận ra những thách thức do một số nhà sản xuất chậm nộp dữ liệu vắc xin cho WHO”, Ủy ban Khẩn cấp của WHO cho biết trong một tuyên bố, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin cung cấp dữ liệu càng sớm càng tốt.
Tuyên bố trên, là kết quả từ một cuộc họp kín của WHO được tổ chức vào tuần trước, không nói rõ nhà sản xuất nào chưa gửi dữ liệu vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, một tài liệu của WHO được tiết lộ hôm 23/12 năm ngoái cho biết dữ liệu của vắc xin Sputnik V chưa được gửi đầy đủ.
Ủy ban Khẩn cấp của WHO, gồm các chuyên gia độc lập, họp 3 tháng một lần để đưa ra các khuyến nghị, chính sách về những vấn đề chính liên quan đến đại dịch Covid-19, chẳng hạn như các biện pháp đi lại quốc tế và vắc xin.
Đây cũng là cơ quan của WHO lần đầu tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, hay ‘PHEIC’ (Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế) theo thuật ngữ của WHO, cách đây gần 2 năm. Các thành viên của ủy ban vào tuần trước đã nhất trí duy trì tình trạng khẩn cấp của Covid-19 như ở thời điểm hiện tại.
WHO: không có bằng chứng cho thấy trẻ nhỏ, thanh thiếu niên khỏe mạnh cần tiêm liều tăng cường vắc xin Covid-19
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 18/1, bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO, cho biết dù có vẻ như khả năng miễn dịch của vắc xin Covid-19 đang suy yếu dần theo thời gian trước biến thể Omicron, song cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định những đối tượng nào cần được tiêm liều tăng cường.
“Hiện không có bằng chứng nào cho thấy những trẻ em hoặc thanh thiếu niên khỏe mạnh cần được tiêm liều tăng cường vắc xin Covid-19. Không có bằng chứng nào cho điều đó cả”, bà Swaminathan tuyên bố.
Nhà khoa học từ WHO cũng cho biết nhóm chuyên gia hàng đầu của tổ chức sẽ họp vào cuối tuần này, để xem xét những vấn đề cụ thể về cách các quốc gia nên cân nhắc việc cung cấp liều vắc xin Covid-19 tăng cường cho dân số của mình.
“Mục đích (của liều vắc xin tăng cường) là bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, những người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao nhất. Đó là những người cao tuổi, những người bị suy giảm hệ miễn dịch với các bệnh nền, cũng như các nhân viên y tế của chúng ta”, bà nói.
Cơ quan dược của EU kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin đừng chỉ tập trung vào Omicron
Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) cho biết các hãng dược nên phát triển nhiều thứ hơn một liều vắc xin Covid-19 được nâng cấp, và chúng không chỉ có khả năng kháng lại Omicron mà còn với cả các biến thể khác của virus corona.
“Những gì chúng tôi nghe được từ các cơ quan quản lý khác là không được loại trừ bất kỳ lựa chọn nào”, Marco Cavaleri, người đứng đầu bộ phận chiến lược vắc xin của EMA, nói trong một cuộc họp báo hôm 18/1.
Nhưng trong tuần trước, Giám đốc điều hành Ugur Sahin của hãng BioNTech đã đặt câu hỏi về sự cần thiết trong việc phát triển các sản phẩm như trên, vì khả năng miễn dịch của Omicron đã được chứng minh là còn có khả năng bảo vệ trước những biến thể mới của virus corona.
“Sự lây nhiễm Omicron và vắc xin phòng Omicron rất có thể, với xác suất cao, cũng tăng cường phản ứng miễn dịch với tất cả các biến thể hiện có”, ông Sahin phát biểu tại một hội nghị trực tuyến về chăm sóc sức khỏe của JPMorgan. “Giá trị sẽ là gì nếu giờ đây chúng ta kết hợp một loại vắc xin phòng Omicron tiềm năng với (vắc xin) phòng chống một biến thể khác, trong khi chỉ cần loại vắc xin phòng Omicron đã là đủ để phát huy tính hiệu quả?”.
Nguồn: vietnamnet