Một loạt bệnh nhân Covid-19 tử vong ở khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ đang khiến giới chức địa phương đứng trước một câu hỏi đáng lo ngại: Làm thế nào ngăn chặn được đại dịch ở cộng đồng dân cư dễ tổn thương nhất này?
Hồi chuông báo động đã vang lên hồi tuần trước sau cái chết của một người đàn ông 56 tuổi. Người này không phải là một quan chức cấp cao hay nghệ sĩ nổi tiếng. Ông đơn giản là một người bán hàng may mặc, nhưng lại sống ở Dharavi, một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á, nơi có một triệu người sinh sống trên mảnh đất rộng chỉ khoảng 2km2.
Dharavi là một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á. |
Tọa lạc ở ngoại ô Mumbai, Dharavi đông đúc gấp gần 5 lần so với quận đông dân nhất ở New York tính theo số người sống trên mỗi km2. Ở Dharavi, mỗi lều lán có tới 10 người sinh sống và 80 người dùng chung một nhà vệ sinh công cộng.
Khi một người quét đường mắc virus corona chủng mới hôm 2/4, chính quyền đã khẩn trương hành động. Một nhóm bác sĩ và tình nguyện viên được cảnh sát hỗ trợ lập tức có mặt tại khu vực. Họ tỏa ra theo các hướng và ở lại đến tận nửa đêm. Các gia đình bị tách ra. Khoảng 2.500 người phải cách li.
Các hoạt động của người bệnh lập tức được truy dấu vết nhờ sự giúp đỡ từ những người thân của ông. Danh sách tiếp xúc được thu thập và những người có tên được cảnh báo. Cửa hiệu của ông cùng khoảng 100 cửa hiệu khác, trong đó có 330 căn hộ gần đó, bị phong tỏa.
Khoảng không giữa các tòa nhà được phun hydrochloric acid để khử trùng. Một đội cảnh sát được triển khai để đảm bảo không ai trong khu vực vi phạm quy định.
Câu chuyện được truyền thông khắp thế giới đăng tải, với một loạt tít bài gọi Dharavi là “quả bom hẹn giờ”. Không giống như nhiều khu ổ chuột, Dharavi là cái tên nổi tiếng vì xuất hiện trong phim đoạt giải Oscar “Triệu phú ổ chuột”.
Nhưng có nhiều thứ mà người ngoài ít biết về Dharavi, kể cả nhiều người Ấn Độ. Dharavi tương đối bình đẳng. Người vô gia cư rất ít, và mọi người thuộc các tầng bậc và tín ngưỡng khác nhau cùng chung sống trong những con con hẻm chật hẹp và những lều lán xiêu vẹo. Nhà thờ, đền chùa và thánh đường nằm tiếp giáp nhau.
Như thỏi nam châm thu hút các nhân công thời vụ, Dharavi nhận tất cả mọi người, cung cấp cho Mumbai một lực lượng lao động và giúp việc hùng hậu. Nơi quy tụ các cơ sở sản xuất nhỏ, xưởng gốm, nhựa, dệt may, làm bánh… này tạo ra doanh thu hàng năm 1 tỷ USD, với 30% trong số này được chi trả dưới dạng thuế.
Và nhà ở Dharavi luôn đắt giá. Một căn hộ khoảng 56m2 có giá nửa triệu đôla.
Với thực tế đó, Dharavi là một điểm lây nhiễm virus corona tiềm tàng. Khu ổ chuột này từng trải qua nhiều trận dịch. Các bệnh như kiết lị, tả, thương hàn, bệnh phong, bệnh bại liệt từng khiến cư dân nơi đây chết hàng loạt, vì mật độ sinh sống cao trong khi hệ thống vệ sinh tồi tàn càng khiến cho bệnh dịch lây lan nhanh chóng.
Năm 1986, dịch tả hoành hành với hầu hết nạn nhân đến từ Dharavi. Hỏa hoạn và lũ lụt cũng liên tục xảy ra, với trận cháy năm 2013 thiêu rụi hơn 800 căn nhà.
Ảnh |
Do vậy, nỗi lo hiện nay của các quan chức Ấn Độ là điều dễ hiểu. Chính phủ đã thống kê số người lớn tuổi ở địa phương và đưa họ vào diện xét nghiệm đại trà. Rất may là Ấn Độ đã có các bộ xét nghiệm máu cho kết quả chỉ trong 20-30 phút.
Chương trình Giám sát Dịch bệnh IDSP cũng đã được áp dụng hơn một thập niên qua. Dữ liệu của nó cho phép nhà chức trách rà soát các trường hợp từ mức độ Chăm sóc Sức khỏe Công cộng (PHC) trở lên. Nhờ đó, họ sớm phát hiện được các ổ dịch và những khu vực có vấn đề cách li.
Hiện nay, Ấn Độ đã phát hiện hơn chục “điểm nóng” như vậy, nhưng Dharavi không nằm trong danh sách. Tuy nhiên, hành động của cảnh sát từ tuần trước cho thấy, họ đang làm hết sức có thể để ngăn khu ổ chuột này biến thành ổ dịch.
Tuy nhiên, giãn cách xã hội và cách li là điều rất khó thực hiện ở Dharavi, nơi một lều lán đổ nát có tới 10/12 người cùng cư trú.
“Các bạn đừng mong họ ngồi không ở nhà cả ngày. Họ trả 25 rupee (33 xu Mỹ) cho một lon nước mà bạn bảo họ hãy rửa tay thường xuyên ư? 80 người dùng chung một nhà vệ sinh công cộng, và bạn bảo họ đừng ra khỏi nhà. Làm sao có thể?”, Vinod Shetty – Giám đốc một quỹ phi lợi nhuận của các công nhân vệ sinh, bày tỏ trên đài NDTV của Ấn Độ.
“Chúng tôi có một gia đình 5 thành viên. Chúng tôi sử dụng nhà vệ sinh công cộng, lấy nước từ vòi chung. Chỉ Chúa mới có thể cứu chúng tôi”, một người dân thốt lên.
Với thực tế đó, phía chính quyền hy vọng chỉ có một lệnh phong tỏa mạnh mẽ mới có thể cứu được Dharavi khỏi một trận dịch.
Bên ngoài khu ổ chuột, hơn 4.800 ca nhiễm Covid-19 đã được ghi nhận ở Ấn Độ tính đến nay, với 136 người tử vong. Trên toàn thế giới, đại dịch đã xuất hiện ở 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 1,3 triệu người và cướp đi mạng sống của gần 75.000 người.
Nguồn: vietnamnet