Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vấp phải nhiều chỉ trích sau bài phát biểu về Afghanistan, gần 24 giờ sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul, thâu tóm quyền kiểm soát quốc gia Nam Á.

Trong bài phát biểu kéo dài 19 phút được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng tối 16/8 theo giờ Mỹ (sáng sớm 17/8, theo giờ Việt Nam), Tổng thống Biden đã bảo vệ quyết định của mình về việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, đồng thời đổ lỗi cho các lãnh đạo và quân đội Afghanistan cũng như chính quyền tiền nhiệm Donald Trump về thảm họa an ninh, nhân đạo đang diễn ra tại quốc gia Nam Á.

Afghanistan rơi vào tay Taliban, sóng gió bủa vây ông Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden. 

“Tôi kiên định ủng hộ quyết định của mình. Sau 20 năm, tôi buộc phải chấp nhận thực tế rằng không có thời điểm nào là thích hợp cho việc rút các lực lượng Mỹ… Chúng ta không thể mang đến cho họ ý chí để chiến đấu vì tương lai của họ. Người Mỹ không thể và không cần phải chiến đấu và hy sinh trong một cuộc chiến mà các lực lượng Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu vì bản thân họ”, ông Biden nói.

Theo CNN, kể từ thời điểm lên nắm quyền tại Nhà Trắng cách đây 7 tháng, ông Biden công khai bày tỏ quyết tâm rằng, trong nhiệm kỳ của mình, ông sẽ làm được điều mà 3 người tiền nhiệm đã không thể, đó là chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ. Ông đã tập hợp quanh mình các cố vấn hàng đầu, những người chia sẻ niềm tin cốt lõi đó.

Tuy nhiên, những lời chỉ trích nhắm vào lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm không phải vì quyết tâm rút hết binh sĩ khỏiAfghanistan. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đa phần người Mỹ ủng hộ quyết định của ông nhằm chấm dứt 20 năm sa lầy vào cuộc chiến dai dẳng, đầy tốn kém ở nước ngoài. Không ai tán thành leo thang chiến tranh. Song, nhiều người, kể cả các thành viên cùng đảng Dân chủ tỏ ra thất vọng về cách thức ông Biden thực hiện kế hoạch.

Theo kết quả một cuộc khảo sát dư luận do The Trafalgar Group tiến hành từ ngày 14 – 15/8, tới 69% người Mỹ được hỏi không tán thành cách xử lý của ông Biden với sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan. Xét trên phương diện đảng phái, 48% thành viên đảng Dân chủ thể hiện quan điểm không ủng hộ, trong khi với các thành viên đảng Cộng hòa, tỷ lệ này lên tới 89%.

Vài giờ trước khi ông Biden trở về từ Trại David để có bài phát biểu tại Nhà Trắng, các đoạn video, hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội và được các hãng thông tấn quốc tế đồng loạt đăng tải đã cho thấy đám đông tuyệt vọng đứng chật cứng trên đường băng của sân bay quốc tế Kabul, lối thoát duy nhất còn lại kể từ khi Taliban bao vây, cắt đứt các tuyến đường ra vào thành phố. Hàng chục người Afghanistan được nhìn thấy đang đu bám vào cánh, vào gầm của một máy bay vận tải C-17 của quân đội Mỹ đang di chuyển trên đường băng. Một video khác cho thấy có người đã rơi từ máy bay khi nó đang cất cánh.

Trong bối cảnh hỗn loạn, quân đội Mỹ đã bắn chết 2 tay súng trong các sự cố riêng rẽ tại sân bay, theo Lầu Năm Góc. Tất cả các chuyến bay đã phải tạm dừng cho đến khi quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ giải tán đám đông. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Mỹ phải gấp rút tìm cách đạt được thỏa thuận với các nước thứ ba tiếp nhận các thông dịch viên và đồng minh người Afghanistan di tản để Bộ Ngoại giao Mỹ có thể xúc tiến cấp thị thực cho họ.

Nhiều người bày tỏ sự không hài lòng khi Tổng thống Biden chưa lý giải tại sao chính quyền của ông có vẻ không lường trước được kết cục mà các quan chức quân sự và tình báo đã khuyến cáo trong nhiều năm. Dù thừa nhận sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan xảy ra nhanh hơn dự đoán, nhưng lãnh đạo Nhà Trắng không giải thích tại sao chỉ cách đây 5 tuần, ông tự tin dự đoán rằng Taliban khó có khả năng giành quyền kiểm soát Afghanistan.

Một số người chỉ trích coi đây là dấu hiệu “mất cảnh giác nghiêm trọng” của vị tổng tư lệnh, trong khi số khác cáo buộc các cố vấn cấp cao không làm tròn trách nhiệm cảnh báo tổng thống về hậu quả của việc rút quân quá nhanh và giúp tìm ra giải pháp để mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Theo giới quan sát, ông Biden từ lâu đã thể hiện sự tự tin cả trong quan điểm chính sách đối ngoại và chiến lược chính trị, được rèn giũa qua nhiều năm làm việc tại Washington và phục vụ chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Các trợ lý tiết lộ, dù hoan nghênh các quan điểm bất đồng và tranh luận sôi nổi, nhưng ông Biden rất có thể sẽ đột ngột dừng cuộc trò chuyện nếu cảm thấy kiến thức của mình về một tình huống, đặc biệt là về các vấn đề quốc tế, đang bị chất vấn.

Điều này được thể hiện khá rõ khi ông phát biểu tại Nhà Trắng hôm 16/8, dành nhiều thời gian để bảo vệ quyết định rút quân của mình khỏi Afghanistan, hơn là thừa nhận những tính toán sai lầm của chính quyền. Ông cũng rời đi ngay sau kết thúc phát biểu mà không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của các phóng viên.

Martha Joynt Kumar, Giám đốc tổ chức giám sát phi đảng phái Dự án chuyển giao Nhà Trắng nhận định, quá trình rút lui “đầy khó khăn và hỗn loạn” của các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan có thể là “điều gây tổn hại nhất” đối với ông Biden trong nhiệm kỳ này, đặc biệt về di sản chính sách đối ngoại. Một số người chỉ trích đang lên án chính quyền của ông làm mất uy tín và hình ảnh Mỹ trước các đồng minh và cộng đồng quốc tế.

Sóng gió được tin đang bủa vây ông Biden khi các thành viên chủ chốt trong quốc hội khẳng định sẽ buộc Nhà Trắng phải làm rõ vấn đề. Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban tình báo của Thượng viện nhấn mạnh, ông và các nhà lập pháp khác “có các câu hỏi hóc búa nhưng cần thiết về lí do tại sao Mỹ không chuẩn bị tốt hơn cho viễn cảnh tồi tệ nhất về một sự sụp đổ nhanh chóng và toàn diện đến như vậy của chính phủ và các lực lượng an ninh Afghanistan”.

Ông Warner nói, chính quyền “nợ người dân Mỹ và tất cả những ai đã phục vụ và hy sinh nhiều đến như vậy những câu trả lời”.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : AfghanistanJoe BidenMỹTaliban

Các tin liên quan đến bài viết