Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple không chỉ là lãnh đạo một trong những công ty giá trị nhất thế giới mà còn là một nhà ngoại giao hàng đầu.
Điều đó cũng giống như những chiếc iPhone phá vỡ quy tắc độ lớn màn hình từ thời cố lãnh đạo Steve Jobs vậy. Cook trong thời đại mới đã phải làm những công việc khác, rộng lớn hơn, chứ không chỉ cạnh tranh với người tiền nhiệm về giá trị chuyên môn.
Tim Cook trong hình hài một nhà ngoại giao sẽ trông như thế nào? Diễn biến của nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc càng khắc họa điều này rõ ràng hơn.
Thành công và… thế kẹt
Tháng trước, ông Cook ghé thăm Phòng Bầu dục – nơi các đời tổng thống Mỹ tiếp nguyên thủ quốc gia của nước bạn.
Trước đó trong tháng 3, ông Cook lại có mặt ở Bắc Kinh, trong một sự kiện mà ông kêu gọi “những cái đầu bình tĩnh” cùng nghiên cứu cách thức để Mỹ – Trung cùng tiến lên về mặt kinh tế.
Không phải vô cớ ông Cook chạy đi chạy về như một con thoi để thu xếp thượng tầng như vậy.
Tại Trung Quốc, Apple đang “thắng” với chuỗi 41 cửa hàng và hàng trăm triệu chiếc iPhone bán ra. Không một công ty Mỹ nào thành công, danh tiếng và mang tham vọng lớn như thế.
Từ khi đảm nhiệm vị trí CEO của Apple từ người đồng sáng lập Steve Jobs năm 2011, ông Cook hứng chịu hoài nghi về khả năng duy trì sự bứt phá của các sản phẩm làm nên tên tuổi của Apple như iPod hay iPhone.
Nhưng như đã nói, có thể ông Cook không tái hiện một “Steve Jobs” thứ hai về mặt chuyên môn, mà sẽ đặt dấu ấn mang tính di sản về mặt địa lý: Trung Quốc.
Dưới sự điều hành của Cook, Apple đã từ chỗ một công ty còn hứa hẹn thành công, nay trở thành một đế chế với doanh thu hằng năm 50 tỉ USD, gần một phần tư hiệu quả kinh doanh của Apple trên toàn cầu.
Đáng nói hơn, Apple lấn sân thị trường Trung Quốc đúng thời điểm nhạy cảm nhất khi chính quyền nước này thắt chặt kiểm soát Internet, và khiến các công ty nước ngoài, đặc biệt là công nghệ, gặp khó khăn.
Nhưng diễn biến gần đây lại đáng lo hơn nữa. Với việc ông Trump tuyên bố đánh thuế lên 50 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, cộng thêm kế hoạch đánh thuế 10% lên 200 tỉ USD hàng hóa khác mới đây, Apple gặp rắc rối thực sự trên chính… quê hương.
Cho đến nay, Apple vẫn thực hiện công đoạn lắp ráp ở Trung Quốc và nhập ngược về Mỹ. Điều này đồng nghĩa iPhone, một sản phẩm của người Mỹ, sẽ bị Mỹ đánh thuế nhập khẩu.
Mặc khác, nếu căng thẳng thương mại lên cao, không thể loại trừ trường hợp Trung Quốc trả đũa các công ty Mỹ, trong đó có viễn cảnh sẽ gây khó khăn, xáo trộn chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng lên Apple.
Và nếu Mỹ gây khó cho thương hiệu Huawei của Trung Quốc, đâu thể tránh khỏi khả năng Bắc Kinh “đáp lễ” bằng việc tạo khó khăn cho Apple?
Vận động hành lang
Ở thế lưỡng nan, các lãnh đạo Apple đã tích cực vận động hành lang ở cả Washington lẫn Bắc Kinh.
Tại Trung Quốc, Apple thúc đẩy quan hệ với chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, bao gồm một nỗ lực gọi là “Red Apple” – Táo đỏ.
Ông Cook cũng biết một chút tiếng quan thoại, và đã tham dự hầu hết các sự kiện chính trị và kinh tế quan trọng nhất ở Trung Quốc gần đây.
Ông Cook lâu nay đã ra sức bảo vệ sự hiện diện của Apple tại Trung Quốc, cho rằng đây là một cách để thay đổi đất nước này từ bên trong.
Ông nói tại một sự kiện ở Trung Quốc năm 2017: “Mỗi quốc gia trên thế giới đều quyết định luật pháp và luật lệ. Và vậy nên lựa chọn của các bạn là: Các bạn có tham gia, hay đứng bên cánh gà và hét lên rằng mọi thứ phải thế này thế kia? Bạn tiến lên đấu trường, vì không gì có thể thay đổi nếu chỉ nép bên cánh gà”.
Tại Mỹ, ông Cook nửa cảnh báo, nửa khuyên can Tổng thống Trump rằng một cuộc chiến thương mại sẽ làm tồi tệ nền kinh tế, và tệ cho Apple nữa.
Ngoài ra tại Nhà Trắng, ông Cook cũng tán đồng chính sách thuế mà chính quyền ông Trump đặt ra.
Thậm chí vị CEO này cam kết Apple có thể đóng góp 350 tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ trong 5 năm tới, một nguồn thạo tin nói với New York Times.
Nguồn: tuoitre.vn