Ngày 6-6, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng chủ trì họp Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện Đề tài nghiên cứu thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng người S’tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước và đề xuất giải pháp. Đề tài do ông Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh làm chủ nhiệm, Trường đại học Tây Nguyên là đơn vị phối hợp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Công nghệ tỉnh Huỳnh Thị Hằng kết luận cuộc họp
Người S’tiêng Bình Phước thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme, ngữ hệ Nam Á. Đây là tộc người tại chỗ ở vùng Đông Nam bộ, có bề dày lịch sử, văn hóa và có quan hệ lâu đời với các dân tộc thiểu số ở Nam Trường Sơn Tây Nguyên. Người S’tiêng sống chủ yếu ở Bình Phước, tập trung tại 6 huyện gồm: Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Đồng Phú, Phú Riềng và Hớn Quản. Trong 3 nhóm dân tộc thiểu số tại Bình Phước, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng người S’tiêng chiếm tỷ lệ khá cao. Theo thống kê năm 2014, người S’tiêng có 549 trường hợp tảo hôn; 1.620 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Đề tài đã trình bày nội dung và phương pháp thực hiện với 29 chuyên đề nghiên cứu như: Những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng người S’tiêng; những chế tài và cách giải quyết xung đột trong hôn nhân, gia đình truyền thống của người S’tiêng; vai trò của già làng, người có uy tín và cộng đồng đối với thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; sự biến đổi về hôn nhân và gia đình của người S’tiêng; cơ hội phát triển của phụ nữ, trẻ em và quan điểm ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng người S’tiêng hiện nay…
Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài trình bày, các chuyên gia và thành viên hội đồng phân tích, đánh giá, phản biện làm rõ những nội dung trọng tâm.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Công nghệ tỉnh Huỳnh Thị Hằng kết luận: Đề tài xuất phát từ thực tiễn của Bình Phước; tán thành ý kiến của các chuyên gia và thành viên hội đồng là cần giảm số lượng chuyên đề để có những đánh giá sát thực với tình hình thực tế của người S’tiêng Bình Phước; đồng thời cần quan tâm tới vấn đề chữ viết, ngôn ngữ. Chủ tịch hội đồng đề nghị chủ nhiệm bổ sung, chỉnh sửa các nội dung được góp ý để hoàn thiện đề tài. Hội đồng đã bỏ phiếu thông qua, kết quả 82,8% số phiếu tán thành.
Theo Báo Bình Phước