Cũng như Alfred Riedl, người hùng từng giúp U20 Việt Nam giành quyền dự World Cup trẻ xuất hiện trong tự truyện của Công Vinh với kỷ niệm khá… buồn.
Quá trình chuẩn bị “ác mộng”…
Chuyện xảy ra tại quá trình chuẩn bị của đội tuyển Việt Nam hướng đến AFF Cup 2012. Đó là kỳ đại hội bóng đá khu vực hiếm hoi mà VFF quyết định chọn thầy nội cho đội tuyển. Như đã biết, HLV trưởng là ông Phan Thanh Hùng, còn bộ đôi trợ lý thân cận là Hoàng Anh Tuấn và Dylan Kerr – hai nhân vật từng sát cánh cùng nhau tại Khatoco Khánh Hoà trước đó.
Trong tự truyện “Phút 89”, Công Vinh đánh giá tướng Hùng rất cao về mặt chuyên môn lẫn đức độ. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng đương kim lái trưởng CLB Than Quảng Ninh cũng có một khuyết điểm lớn. Đó là “tốt quá và dễ bị người khác lợi dụng”. Chính tính cách hiền lành, có phần nhu nhược ấy đã khiến hiệu quả công việc của ông thầy 58 tuổi bị ảnh hưởng ít nhiều.
Công Vinh coi giáo án mà HLV Hoàng Anh Tuấn áp dụng cho ĐT Việt Nam trước thềm AFF Cup 2012 là phản khoa học. Ảnh: IT.
Đơn cử như quá trình tập huấn chuẩn bị cho AFF Cup 2012. Tiếng là HLV trưởng song giáo án tập luyện của đội tuyển phần lớn lại được giao cho ông Hoàng Anh Tuấn soạn thảo. Mà ông Tuấn lại nổi tiếng về những bài tập thể lực rất nặng. Trước thềm giải đấu năm đó, chính vị HLV này đã đề xuất đưa đội tuyển ra Nha Trang “tu luyện” trong vòng 12 ngày.
Công Vinh mô tả lại quá trình ấy như sau: “Đấy là một giáo án kinh hoàng và phản khoa học nhất mà tôi từng biết. Trong suốt 12 ngày ở Nha Trang, thực đơn tập luyện của chúng tôi chỉ toàn chạy và chạy. Sáng chạy mười cây số đường bờ biển, chiều vào sân chạy trên đường piste. Sáng mở mắt ra chạy, tôi về ngủ mơ thấy mình vẫn còn đang chạy.
Ở cùng phòng với Dương Hồng Sơn và Hồng Tiến, chúng tôi tự hỏi mình chuẩn bị bước vào giải AFF Cup cho môn bóng đá hay điền kinh đây. Chúng tôi cần tập luyện để đánh bại Thái Lan và Singapore, chứ đây phải để thách đấu với Usain Bolt.
Tôi đến hỏi Dylan sao phương pháp gì lạ đời thế kia. Dylan chối đây đẩy: “Bậy. Giáo án ấy có phải của tao đâu”. Và sau đó, chạy vẫn hoàn chạy. HLV Hoàng Anh Tuấn giải thích: Kỹ thuật chúng ta đã nhất Đông Nam Á rồi, chỉ cần nhồi thể lực vào là hoàn hảo. Ôi thôi!!!”.
Chuyện sau đó ra sao thì ai cũng rõ. Một đội tuyển như Công Vinh giới thiệu là “đã bị chia rẽ đáng kể, chủ yếu là về mặt vùng miền”, giờ đây lại được cộng hưởng bởi những bước chân mỏi mệt, mất cảm giác bóng sau thời gian dài chạy trên cát, tất cả đã khiến chúng ta có màn thể hiện đáng quên nhất trong lịch sử các kỳ dự AFF Cup.
…Dẫn đường cho giải đấu tồi tệ nhất lịch sử
Ngay trận đấu đầu tiên gặp Myanmar (hoà 1-1 chung cuộc), Công Vinh đã không thể cho thấy phong độ tốt nhất và bị thay ra trong hiệp 2. Vì quá thất vọng, đội trưởng ĐT Việt Nam lúc ấy đã không bắt tay với HLV trưởng. Hành động này nhanh chóng khiến anh đối mặt với hàng loạt nghi vấn.
Đến mức ông Phó chủ tịch phụ trách truyền thông VFF khi đó, Nguyễn Lân Trung cũng phải lên tiếng. Nhân vật từng làm dậy sóng dư luận trong đợt đón đoàn U23 Việt Nam giành ngôi á quân giải U23 châu Á 2018 khiến Công Vinh sửng sốt khi tuyên bố: “Cậu mà thi đấu không tốt nữa là VFF sẽ cấm cậu lên đội tuyển, sẽ kỷ luật cậu. Cậu mắc bệnh ngôi sao rồi, cậu tách rời mọi người”.
Bất chấp những phản ứng quyết liệt từ Công Vinh, tình hình nghi kỵ, đổ lỗi này vẻ như vẫn không thể tốt hơn là mấy. Trong hai trận đấu kế tiếp, đoàn quân của HLV Phan Thanh Hùng đều phải gánh chịu những thất bại. Họ thua 0-1 trước Philippines và 1-3 trước Thái Lan, qua đó chia tay AFF Cup 2012 với chỉ vỏn vẹn 1 điểm, chỉ xếp trên mỗi mình đội cuối bảng Myanmar.
Riêng trận đấu cuối, Công Vinh bị trật bả vai, được các bác sỹ xác nhận không thể thi đấu hẳn hoi thế nhưng một số thành viên ban huấn luyện lại cho rằng anh đang… làm trò. Và cũng thật dễ hiểu, ngay sau giải đấu đó, CV9 là cái tên đầu tiên được liệt vào danh sách “cừu đen” gây hoạ cho đội tuyển.
Theo Công Vinh, thực tế không hề có một bản danh sách nào như vậy, mà đó chỉ là một “kịch bản” mà các vị lãnh đạo VFF đã dựng nên để lái hai chữ “trách nhiệm” sang cho các cầu thủ thay vì các quan chức đứng đầu nền bóng đá.