Việc di chuyển quân đội Mỹ sang vùng tiền tuyến của Nga ở Ba Lan, điều đó sẽ phá bỏ một thỏa thuận…
Xe tăng quân đội Mỹ diễn tập bắn đạn thật tại Ba Lan |
Việc di chuyển quân đội Mỹ sang vùng tiền tuyến của Nga ở Ba Lan, điều đó sẽ phá bỏ một thỏa thuận quan trọng giữa Nga và NATO, là một bước đi có tính toán, nhà báo Leonid Bershidsky của tờ Bloomberg đưa ra bình luận ngày 31/5.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã gửi yêu cầu tới Mỹ để thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài ở quốc gia Đông Âu và nói rằng Warsaw sẵn sàng trả tới 2 tỷ USD ngân sách để có được điều đó.
Đề xuất được chính quyền Ba Lan đưa ra khi chỉ còn hơn một tháng nữa các nhà lãnh đạo NATO sẽ có cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels. Trong khi đó, Moscow vốn luôn phản ứng tiêu cực với việc xây dựng cơ sở hạ tầng NATO ở Đông Âu, cảnh báo sẽ có các biện pháp đối phó nhằm giữ thế cân bằng.
Bình luận viên Leonid Bershidsky cho rằng, đề xuất của Ba Lan có thể thực hiện trong trường hợp tái triển khai quân đội Mỹ từ Đức sang Ba Lan. Bershidsky lập luận, người Đức hoài nghi về sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ ở đất nước của họ, trong khi người Ba Lan muốn điều này. Trong khi tiền tuyến đối với Nga đã chuyển từ Đức sang Đông Âu kể từ Chiến tranh lạnh. Vậy tại sao không di chuyển quân cho phù hợp.
Thêm vào đó, việc di chuyển này “cũng có thể buộc Đức phải suy nghĩ nhiều hơn về vị trí của nước này” trong việc liệu Berlin có cảm thấy được bảo vệ bởi một đội quân Mỹ nhỏ hơn không”, ông Bershidsky nói.
Có một điều chắc chắn – đề xuất mới của Ba Lan đóng vai trò hoàn hảo đối với sự nghi ngờ của Nga về NATO. Đầu tiên, Mỹ và các đồng minh của mình đã từ bỏ những lời hứa với Nga là không mở rộng các hoạt động quân sự sang phía Đông. Sau đó, Mỹ bẻ cong thỏa thuận không triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu bằng việc lắp đặt hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis Ashore tại Romania, mà Nga nói có thể được chuyển đổi từ việc bắn tên lửa đánh chặn sang bắn tên lửa Tomahawks trong vài giờ.
Tiếp đó, Mỹ triển khai một lực lượng vũ trang tại Ba Lan khi vi phạm hoàn toàn Đạo luật sáng lập Nga – NATO năm 1997. Tuy nhiên, các nhà bình luận của hãng tin RT (Nga) cho rằng, bình luận viên Bershidsky có thể khá sai lầm khi nghĩ rằng Nga sẽ không phản ứng đơn giản chỉ vì Moscow chấp nhận sự hiện diện quay vòng của quân đội Mỹ sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014.
Các nhà lập kế hoạch quân sự ở Moscow có thể cho rằng, căn cứ ở Ba Lan có thể được sử dụng cho một cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu vào đồng minh Belarus hoặc Nga, hoặc ít nhất là một hoạt động bất ngờ của NATO ở miền Đông Ukraine.
Vì thế, theo giới quan sát, sự cần thiết để chống lại các mối đe dọa kiểu này có thể dẫn đến việc Moscow quyết tâm triển khai vĩnh viễn các tên lửa Iskander có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân trong khu vực Kaliningrad (tiền đồn của Nga gần với các nước NATO). Trong khi đây vốn là một quyết định mà Nga cố tránh và kéo dài cho tới giờ.
Theo Báo Giao thông