Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay QH khóa XIV có 496 đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Tại kỳ họp thứ nhất, QH xem xét về tư cách ĐB, có hai ĐB không đủ tư cách. Tiếp đó, do vi phạm, sai phạm, có hai ĐB đương nhiên buộc phải thôi, mất quyền ĐBQH.
Ngoài ra, ba trường hợp ĐBQH bị cho thôi, chấp nhận theo đơn vì lý do sức khỏe và chuyển công tác; hai trường hợp ĐB mất. Như vậy, sau khi có chín ĐBQH cho thôi, bãi nhiệm, mất quyền, QH khóa XIV còn 487 ĐBQH…
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn
. Việc QH khóa XIV khuyết tới chín ĐBQH liệu có ảnh hưởng gì đến hoạt động của QH không, thưa ông?
+ Cũng không có ảnh hưởng gì. Theo quy định tại Điều 89 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, việc bầu cử bổ sung ĐBQH trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn hai năm và thiếu trên 10% tổng số ĐBQH đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ.
Đối chiếu với tình hình hiện nay thì chưa đến 10%.
. Đối với những tỉnh đã ít ĐB, lại bị khuyết như vậy thì liệu có ảnh hưởng đến quyền của cử tri tại nơi bầu?
+ Những trường hợp này không phải có nhiều. Cùng lắm cả đoàn 6-9 người, thiếu một ĐB thôi cũng không ảnh hưởng lắm. Hơn nữa, ĐBQH không chỉ làm việc tại nơi được bầu, tôi có thể được bầu ở khu vực này nhưng lại hoạt động ở khu vực khác, do việc điều động, phân công của Đoàn ĐBQH khi tiếp xúc cử tri. Thậm chí là ĐBQH ở tỉnh này có thể sang tỉnh khác tiếp xúc cử tri cũng không sao cả. Cơ chế hiện nay rất rộng.
. Có khóa nào khuyết nhiều ĐBQH như khóa này không?
+ Cái này phải thống kê, còn nói bây giờ chưa có số liệu. Nhưng khóa gần đây nhất thì không khuyết nhiều như vậy.
9 ĐBQH khuyết từ đầu nhiệm kỳ đến nay
1. Ông Đinh La Thăng (ĐBQH đoàn Thanh Hóa): Mất quyền ĐBQH kể từ ngày 14-5, khi HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên ông phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 2. Ông Nguyễn Quốc Khánh (ĐBQH tỉnh Quảng Nam): Mất quyền ĐBQH kể từ ngày 14-5, khi HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên ông phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Bà Phan Thị Mỹ Thanh (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai): Ủy ban Thường vụ QH đã có nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ ĐBQH kể từ ngày 14-5 do bị thi hành kỷ luật và bà Thanh có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khỏe. 4.Ông Võ Kim Cự (ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh): Ngày 15-5-2017, Ủy ban Thường vụ QH biểu quyết đồng ý cho thôi nhiệm vụ ĐBQH đối với ông Võ Kim Cự do bị thi hành kỷ luật và ông có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khỏe. 5. Ông Trịnh Xuân Thanh: Sáng 15-7-2016, tại phiên thứ 7 xem xét, biểu quyết về tư cách ĐBQH của 496 người trúng cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã bỏ phiếu tán thành việc không công nhận tư cách ĐBQH của ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang). 6. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Ngày 17-7-2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp phiên đột xuất, 100% thành viên nhất trí không xác nhận tư cách ĐBQH khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì không đủ tiêu chuẩn và trước đó bà Nguyệt Hường đã có đơn xin rút. 7. Ông Ngô Đức Mạnh (ĐBQH tỉnh Bình Thuận): Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH đối với ông Mạnh với lý do ông được phân công nhiệm vụ mới là làm Đại sứ tại Liên bang Nga. 8. Ông Ngô Văn Minh (ĐBQH tỉnh Quảng Nam): Ông Minh qua đời vào ngày 16-12-2016. 9. Hòa thượng Thích Chơn Thiện (ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế): Ông là ĐBQH cao tuổi nhất, mất vào ngày 8-11-2016. |
Theo Plo.vn