Tỉ lệ mắc bệnh này là 1/1.000.000 người, tại Việt Nam, việc chẩn đoán bệnh này đã được báo cáo, tuy nhiên vấn đề điều trị vẫn là thách thức cho giới chuyên môn và chưa có báo cáo trường hợp nào được điều trị thành công. 
Điều trị thành công ca mắc hội chứng Budd-Chiari hiếm gặp

Chiều 29-12, TS.BS Nguyễn Anh Dũng – giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM – cho biết mặc dù là bệnh hiếm gặp nhưng bệnh nhân là chị H.T.V., 33 tuổi, ở An Giang, đã được chẩn đoán chính xác, điều trị thành công với mức độ an toàn cao và hồi phục nhanh. Trước đó, ngày 27-12 chị V. đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng hai chân và bụng sưng to, đau nhức, đi lại khó khăn. Triệu chứng này ngày càng nặng, tiến triển nhanh trong thời gian gần đây khiến chị ăn uống kém. Bệnh nhân được cho nhập viện vào khoa nội tiêu hóa. Các kết quả khám, xét nghiệm và siêu âm cho thấy chị V. bị tràn dịch ổ bụng, ứ máu hai chân do tắc nghẽn hệ thống tĩnh mạch lớn dẫn máu về tim. Bệnh nhân được chỉ định chụp CT scaner và MRI để đánh giá chi tiết các cấu trúc bất thường về mạch máu. Qua đó xác định chính xác chị V. bị tắc nghẽn đường thoát lưu hệ tĩnh mạch gan và tĩnh mạch chủ dẫn đến máu từ gan và nửa thân dưới phải theo các hệ thống phụ đổ về tim, còn được gọi với tên là hội chứng Budd-Chiari. Theo Th.S-BS Nguyễn Đình Luân – trưởng đơn vị X-quang can thiệp, hội chứng Budd-Chiari là bệnh lý hiếm gặp, với tỉ lệ mắc là 1/1.000.000 người. Bệnh thường diễn tiến phức tạp và dẫn đến tử vong do suy gan, suy thận nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ở Việt Nam, việc chẩn đoán bệnh này đã được báo cáo nhưng vấn đề điều trị vẫn là thách thức cho giới chuyên môn và chưa có báo cáo trường hợp nào được điều trị thành công. Theo TS Anh Dũng, để chọn lựa phương án điều trị an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân, bệnh viện đã phải hội chẩn liên chuyên khoa (phẫu thuật lồng ngực mạch máu, phẫu thuật tiêu hóa, gây mê hồi sức). Các bác sĩ quyết định điều trị nội khoa tích cực nhằm giảm triệu chứng cho chị V. trước, sau đó mới điều trị tái thông mạch máu tắc nghẽn bằng kỹ thuật can thiệp mạch máu xâm lấn tối thiểu. Ngày 27-12, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành can thiệp mạch máu để điều trị tái thông tĩnh mạch chủ dưới bằng cách rạch một đường nhỏ ở vùng bẹn rồi đặt giá đỡ để nong mạch máu. Sau can thiệp, máu từ vùng bụng và phần dưới cơ thể đã trở về tim bình thường…Ngày 29-12, sức khỏe của chị V. cải thiện rõ rệt, báng bụng giảm hẳn, chân bớt sưng phù, đi lại thấy thoải mái hơn nhiều và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : điều trịhội chứng Budd-Chiari

Các tin liên quan đến bài viết