Scandal mới nhất của Facebook đã khiến hầu hết người dùng Internet trên toàn thế giới cẩn trọng hơn với việc bảo mật thông tin. Vậy thì làm thế nào để kiểm soát quyền riêng tư khi online để không bị theo dõi hoặc đánh cắp dữ liệu cá nhân?

Làm thế nào để kiểm soát quyền riêng tư khi online? - Ảnh 1.

Ảnh

Khi Facebook bị cáo buộc bán dữ liệu của trên 87 triệu người dùng thì cũng là lúc chúng ta nhận ra các dịch vụ của Google luôn có các tính năng theo dõi vị trí, hay Amazon luôn tích lũy bản ghi âm của mỗi tương tác để thu thập nhu cầu khách hàng.

Với ngành công nghiệp công nghệ cao, việc chia sẻ dữ liệu rất có ý nghĩa thương mại. Rất nhiều nền tảng trực tuyến có thể theo dõi thói quen lướt web của bạn để kiếm tiền bằng cách bán thông tin cho các nhà quảng cáo.

Ở châu Âu, sau khi các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) được công bố và triển khai thực hiện đã phần nào thắt chặt được vấn đề rò rĩ dữ liệu. Tuy nhiên, đối với những khu vực khác khi mà các quy định về quyền riêng tư vẫn chưa nghiêm ngặt thì phải làm thế nào? Dưới đây là một số tác vụ bạn có thể thực hiện để kiểm soát quyền riêng tư khi online.

1. Hạn chế sử dụng webcam

Chỉ khi công việc của bạn đòi hỏi dùng webcam, chẳng hạn như gọi điện thoại qua Skype, thì bạn hãy sử dụng, còn không thì nên hạn chế đến mức thấp nhất có thể tần số sử dụng tiện ích này của mình.

2. Luôn cài đặt HTTPS

Các trang web không được mã hóa theo mặc định (HTTP) sẽ gây ra nguy cơ về an ninh mạng. Việc cài đặt chứng chỉ bảo mật HTTPS sẽ giúp bạn duyệt web an toàn và kiểm soát lưu lượng truy cập chặt chẽ hơn.

3. Sử dụng bộ chặn theo dõi

Với bộ chặn theo dõi, khi bạn di chuyển từ trang này sang trang khác, thậm chí trên các thiết bị khác nhau, cũng sẽ không có dấu vết nào bị ghi lại. Bạn có thể sử dụng công cụ tìm kiếm riêng tư Pro DuckDuckGo hoặc Disconnect.me để chặn các trình theo dõi từ các trang web của bên thứ ba.

Firefox cũng có một trình chặn theo dõi tích hợp, được bật theo mặc định trong các ứng dụng dành cho thiết bị di động. Nếu bạn muốn xem danh sách các trình theo dõi trên trang web phổ biến, bạn cũng có thể cài đặt Kimetrak.

4. Sử dụng trình chặn quảng cáo

Một số trình duyệt như Opera luôn đi kèm với trình chặn quảng cáo. Bạn cũng nên sử dụng uBlock Origin trên macOS, Windows, Linux và Android, còn 1Blocker là một lựa chọn thích hợp trên iOS.

5. Chọn công cụ tìm kiếm an toàn làm mặc định

Google có thể biết nhiều hơn về bạn hơn cả Facebook, nhờ vào những điều bạn nhập khi truy vấn vào công cụ tìm kiếm của nó. Thay vì quá phụ thuộc vào Google, bạn vẫn có một số lựa chọn thay thế khá tốt, chẳng hạn như DuckDuckGo mà Apple sẽ cho phép bạn thiết lập như là trình duyệt mặc định trên iOS, hoặc Qwant cho người dùng nói tiếng Pháp, còn người dùng Đức có thể dùng Cliqz.

6. Chuyển sang DNS khác

Khi bạn nhập địa chỉ trang web vào thanh tìm kiếm, thiết bị của bạn sẽ yêu cầu một máy chủ tên miền dịch địa chỉ đó sang địa chỉ IP. Theo mặc định, ISP hoặc nhà cung cấp dịch vụ chạy DNS cho người dùng sẽ có thể xem tất cả lịch sử web của bạn. Truy vấn DNS của bạn cũng không được mã hóa và có thể bị chặn. Do đó, bạn có thể định cấu hình mỗi thiết bị của mình để sử dụng một DNS công cộng khác nhau.

7. Tắt dịch vụ vị trí

Với mục đích nhắm mục tiêu quảng cáo, dữ liệu vị trí rất có giá trị. Dữ liệu vị trí cũng có thể ảnh hưởng đến loại quảng cáo mà bạn nhìn thấy. Nếu bạn thực sự bận tâm vấn đề này thì nên tắt tất cả các vị trí thiết lập trên mọi trình duyệt mình sử dụng.

8. Thận trọng khi tiếp cận VPN

VPN là mạng dành riêng để kết nối các máy tính của các công ty, tập đoàn hay các tổ chức với nhau thông qua mạng Internet công cộng. Chính vì tính công cộng của VPN nên việc bảo mật sẽ gặp nhiều khó khăn. Để an toàn, bạn nên chọn sử dụng máy chủ VPN được cung cấp từ nhà mạng mà mình tin cậy.

9. Quan tâm đến các ứng dụng bên thứ ba

Đặc biệt là các ứng dụng bàn phím vốn có khả năng ghi lại tất cả thông tin mà bạn nhập vào thiết bị của mình – từ mật khẩu đến số thẻ tín dụng và nội dung tin nhắn của bạn.

10. Sử dụng các ứng dụng được mã hóa đầu cuối

Nếu sử dụng các ứng dụng không có cơ chế mã hóa đầu cuối thì bạn sẽ không an toàn. Từ ứng dụng nhắn tin, lưu trữ đám mây cho đến dịch vụ email đều cần phải mã hóa đầu cuối để không bị khai thác dữ liệu. Nếu bạn muốn bảo mật hơn nữa, bạn nên thiết lập các khoá mã hóa PGP.

11. Chọn iOS thay vì Android

Không có công nghệ kết nối nào an toàn 100% nhưng Android là một nền tảng mở hơn iOS. Do đó, bạn có thể định cấu hình Android theo nhiều cách khác nhau, đồng nghĩa với việc sự riêng tư ít được khóa chặt hơn. Vì vậy, IOS có thể là sự lựa chọn tối ưu hơn nếu so sánh về khía cạnh bảo mật người dùng.

12. Đăng xuất khỏi tất cả các tài khoản trực tuyến

Bạn có thể lướt Messenger, Instagram và WhatsApp nhưng nên nhớ đăng xuất sau khi truy cập. Tác vụ này sẽ mất thời gian hơn nhưng ít ra sẽ bảo vệ bạn được nhiều hơn.

13. Nói không với những ứng dụng thu thập giọng nói

Có rất nhiều tính năng tìm kiếm bằng giọng nói được tích hợp ngày nay. Đó chính là “nguồn thu” thông tin cực hữu hiệu mà bạn không hề hay biết.

14. Sử dụng hệ điều hành tập trung vào quyền riêng tư

Nếu bạn thực sự muốn khóa mọi thứ, bạn nên xem xét sử dụng Tails làm hệ điều hành máy tính. Đây là một dạng hệ điều hành nhân Linux không để lại dấu vết theo mặc định, mặc định sử dụng mạng Tor cho tất cả các yêu cầu mạng. Nhưng khá phức tạp để cài đặt và không được thân thiện với người dùng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : an ninh mạngbảo mật thông tinfacebookonlinequyền riêng tưthủ thuật internetxu hướng công nghệ

Các tin liên quan đến bài viết