Các nhà khoa học Trung Quốc đã nhân bản thành công hai chú khỉ bằng công nghệ từng được áp dụng để nhân bản cừu Dolly 20 năm trước. Đây là một bước đột phá có thể sẽ rất hữu ích trong việc nghiên cứu các căn bệnh ở người.
Hai chú khỉ đuôi dài tên Hua Hua và Zhong Zhong đã được tạo ra tại Viện Thần kinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Thượng Hải. Hua Hua và Zhong Zhong được nhân bản thành công là kết quả sau nhiều năm liền nguyên cứu kỹ thuật nhân bản mang tên chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (SCNT).
“Thành công này đã phá vỡ được rào cản trong việc nhân bản vô tính”, nhà nghiên cứu Muming Poo thuộc Viện hàn lâm cho biết.
Hai chú khỉ đuôi dài Zhong Zhong (trái) và Hua Hua được nhân bản thành công tại Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Thượng Hải. Ảnh: SCMP
Tính đến nay kỹ thuật này đã được dùng để nhân bản hơn 20 loài động vật khác nhau như chó, mèo, heo tuy nhiên vẫn còn rất khó áp dụng đối với các loài động vật linh trưởng.
Hai chú khỉ Zhong Zhong và Hua Hua đã được 6 và 8 tuần tuổi. Tuy nhiên thành công này cũng làm dấy lên lo ngại rằng một ngày không xa con người cũng sẽ được tạo ra bằng phương pháp nhân bản. Về lý thuyết thì điều này có thể thực hiện hiện được, theo ông Poo. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu chỉ tập trung vào mục đích sử dụng cho các nghiên cứu y khoa.
Trong tương lai không xa, phương pháp này có thể được áp dụng để tạo ra một số lượng lớn khỉ có bộ gene giống hệt nhau để dùng cho các nghiên cứu y khoa, hạn chế sử dụng các chú khỉ đang sống trong tự nhiên. Ông Poo cho biết: “Chỉ riêng tại Mỹ các công ty y dược đã nhập khẩu từ 30.000 – 40.000 chú khỉ mỗi năm. Nền tảng di truyền của chúng rất đa dạng, không hề giống nhau vì vậy phải cần một số lượng lớn. Do các lý do đạo đức, tôi nghĩ rằng việc sử dụng khỉ nhân bản vô tính sẽ giúp giảm đáng kể số lượng khỉ được dùng trong thử nghiệm thuốc”. Khỉ thường được dùng trong các nghiên cứu y khoa về các căn bệnh về não như bệnh Parkinson, rối loạn chuyển hóa và miễn dịch.
Hua Hua và Zhong Zhong hiện đang được chăm sóc tại cơ sở nghiên cứu linh trưởng thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Ông William Ritchie, nhà nghiên cứu đã từng tham gia nhân bản cừu Dolly tại Viện Roslin, Đại học Edinburgh, Scotland cho biết: “Phương pháp được dùng trong những thí nghiệm này tương tự như phương pháp từng được dùng để nhân bản cừu Dolly” vào năm 1996, tuy nhiên có áp dụng một số kỹ thuật mới.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp tách nhân ở tế bào trứng của một động vật và thay thế bằng nhân từ tế bào sinh dưỡng của một động vật khác. Động vật được tạo ra sẽ phát triển thành bản sao của động vật hiến nhân tế bào sinh dưỡng. Trên thực tế, nhóm nghiên cứu đã tạo ra vài bản sao chỉ sống sót vài giờ sau khi sinh.
Ông Sun Qiang, Giám đốc cơ sở nghiên cứu linh trưởng tại Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi đã thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau, tuy nhiên chỉ có một phương pháp duy nhất thành công. Chúng tôi đã thất bại rất nhiều lần trước khi tìm ra cách để nhân bản thành công một chú khỉ”.
Ông Sun Qiang (giữa), Giám đốc cơ sở nghiên cứu linh trưởng tại Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 24-1.Ảnh: SCMP
Những chú khỉ khác từng được nhân bản trước đây được tạo ra bằng một kỹ thuật khác, đơn giản hơn gọi là tách phôi thai. Loài linh trưởng đầu tiên được nhân bản theo phương pháp này là chú khỉ Tetra, được tạo ra vào năm 1999.
Tuy nhiên công nghệ được dùng để tạo ra Hua Hua và Zhong Zhong cũng còn “rất thiếu hiệu quả và nguy hiểm” vì chúng là kết quả sau tới 79 lần thử nghiệm, theo nhà di truyền học Robin Lovell-Badge thuộc Viện Francis Crick ở London, Anh.
“Dù họ nhân bản khỉ thành công thì số lượng đạt được là quá thấp, không thể đưa ra nhiều kết luận”.
Ông Robin cũng nói chưa từng có nghiên cứu nào cho thấy chúng ta sẽ sớm nhân bản được con người. Ông nhận định: “Đây rõ ràng là một thử nghiệm ngu ngốc, nó rất không hiệu quả, nguy hiểm và cũng vô nghĩa”.
Darren Griffin, giáo sư về di truyền học tại Đại học Kent ở Anh cho rằng: “Tin tức nhân bản thành công một loài động vật linh trưởng chắc chắn sẽ dấy lên những lo ngại về mặt đạo đức. Các nhà chỉ trích cũng lên tiếng về việc đây là một bàn đạp đưa chúng ta gần hơn tới nhân bản con người. Tuy nhiên lợi ích nó mang lại cũng rất rõ ràng. Nó chắc chắn sẽ rất hữu ích trong việc nghiên cứu và điều trị các căn bệnh của con người”.
Nguồn Plo.vn