Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Khóa XII kết thúc với thông báo kỷ luật ông Đinh La Thăng, rồi khi cơ quan điều tra quyết định khởi tố, bắt tạm giam với ông, và hôm nay, ngày 8-1, TAND TP Hà Nội quyết định mở phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thì dư luận nhân dân càng tỏ ra tin tưởng hơn vào quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. 

Thực ra đã từ lâu Đảng ta luôn đề cao quyết tâm chống tham nhũng. Nhưng từ sau Đại hội XII đến nay, cùng việc xử lý hình sự những vụ tham nhũng lớn thì nhiều cán bộ lãnh đạo đương chức hoặc nghỉ hưu đã bị kỷ luật như các trường hợp ông Đinh La Thăng, bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Nguyễn Xuân Anh, ông Võ Kim Cự, bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Huỳnh Đức Thơ, ông Vũ Huy Hoàng, ông Nguyễn Phong Quang, ông Dương Anh Điền, ông Nguyễn Văn Thiện…

Và mới đây, Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và thi hành kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng… thì càng thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, dù người ấy là ai, đang giữ cương vị nào.

Quyết tâm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân. Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, như Tổng Bí thư từng nhấn mạnh không phải làm lẻ tẻ, làm từng vụ, từng đợt, mà đã trở thành phong trào, thường xuyên, trở thành xu thế tất yếu mà không thể khác được.

Nếu như khi ông Đinh La Thăng mới bị kỷ luật và bị bắt thì không ít những phần tử xấu, các thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc việc xử lý các đảng viên có chức quyền theo kỷ luật của Đảng và tính cách mạng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng ta.

Không ít người dân, kể cả những đảng viên của Đảng cũng bị tác động, và trong số họ có những người hoài nghi việc làm của chúng ta theo kiểu “đánh rắn bỏ đoạn”. Song những ngày gần đây, khi các cơ quan truyền thông đã thông tin chính thức việc TAND TP Hà Nội quyết định sẽ mở phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm với những hành vi rất cụ thể, rõ ràng như trong cáo trạng đề nghị truy của Viện Kiểm sát thì dư luận không còn ì xèo và những “cái miệng” chuyên nghề đánh thuê với ngón “gắp lửa bỏ tay người” của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam cũng không còn gì để “uốn ba tấc lưỡi” nữa.

Cơ quan tố tụng đã ban hành cáo trạng buộc tội ông Đinh La Thăng cùng 21 người khác về 2 tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Cáo trạng xác định, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng. Đó là những hành vi phạm tội khách quan đã được chứng minh rõ ràng. Việc làm của ông Thăng và các bị cáo đáng và phải được xử lý hình sự.

Để đi đến kết cục với ông Thăng như hôm nay trước phiên tòa, Trung ương Đảng và các cơ quan tố tụng cũng đã phải cân nhắc tới rất nhiều mặt có liên quan, như thông báo của Hội nghị TƯ 5, Khóa XII nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận thấy: Ông Đinh La Thăng, mặc dù có quá trình công tác gần 35 năm, có những đóng góp nhất định cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và những cơ quan, đơn vị ông giữ cương vị lãnh đạo nhưng trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 10, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 – 2011, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng.

Đây là việc làm không ai mong muốn, mà đúng hơn là chúng ta rất đau đớn khi phải xử lý một cán bộ giữ vị trí cao của Đảng. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ khi tiếp xúc với cử tri rằng, không hay ho gì khi phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình nhưng vì sự tồn vong của chế độ, của Đảng, đòi hỏi phải làm nghiêm, xử lý nghiêm. Mong muốn của người dân, đảng viên là công cuộc phòng chống tham nhũng phải mạnh mẽ, triệt để hơn nữa với các hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 21 bị cáo khác dự kiến diễn ra 14 ngày với việc áp dụng tất cả các quy định mới của Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018). Các luật sư bào chữa cho các bị cáo, các phóng viên báo chí sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tranh tụng và đưa tin về phiên tòa. Những bản án nghiêm khắc, khách quan sẽ được tuyên dành cho các bị cáo căn cứ vào kết quả xét xử. Dư luận hoàn toàn tin tưởng rằng: Luật pháp của chúng ta không có vùng cấm!

Trường Minh

Từ khóa : chống tham nhũngđinh la thăngluật phápvùng cấmxét xử ông Đinh La Thăng

Các tin liên quan đến bài viết