Sau hơn 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được cải thiện…

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, án tham nhũng được phát hiện còn ít, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp,… Nguyên nhân của tình trạng trên là do Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành không còn phù hợp với tình hình thực tế của đất nước do có quá nhiều bất cập. Nhưng khi dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, có nhiều quy định chưa được sự đồng tình của xã hội. Cụ thể:

Tại các khoản 2, 3 và 5 của Điều 3 trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi có quy định như sau: 2. Công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là việc công bố, cung cấp, giải thích, làm rõ thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. 3. Nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người được giao nhiệm vụ, công vụ. 5. Cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa phù hợp. Cụ thể là quy định ở Khoản 2:  Công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là việc công bố, cung cấp, giải thích, làm rõ thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao…, nhưng lại không quy định phương tiện công khai, hình thức công khai. Vì vậy, tác dụng của việc công khai sẽ bị hạn chế. Ví dụ như việc công khai đó chỉ trong phạm vi hẹp là cơ quan, đơn vị thì việc công khai, minh bạch không còn ý nghĩa. Vì vậy, tôi đề nghị sửa khoản 2 này với nội dung như sau: Công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là việc công bố, cung cấp, giải thích, làm rõ thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó trên trang thông tin điện tử của cơ quan, theo yêu cầu của công dân, báo chí hoặc theo hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Còn ở khoản 3 có quy định nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người được giao nhiệm vụ, công vụ. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa chặt chẽ, còn kẽ hở để cho người có quyền hạn, nhiệm vụ tham nhũng. Vì ở đây chưa quy định cụ thể do không giới hạn việc không tuân thủ thời hạn được đặt ra theo quy định của pháp luật, đòi hỏi các giấy tờ, tài liệu không đúng theo yêu cầu của pháp luật. Do đó, tôi đề nghị sửa lại khoản này như sau: Nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người được giao nhiệm vụ, công vụ bao gồm nhưng không giới hạn việc không tuân thủ thời hạn được đặt ra theo quy định của pháp luật, đòi hỏi các giấy tờ, tài liệu không đúng theo yêu cầu của pháp luật.

Đối với Khoản 5 trong dự thảo có quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước, là chưa đầy đủ. Vì trong thực tế hiện nay nước ta đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, nên có cả loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước nhưng có vốn đầu tư của nhà nước. Vì vậy, tôi đề nghị sửa lại khoản này như sau:Cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước có vốn đầu tư của nhà nước.

Theo: Báo Bình Phước

Từ khóa : cán bộchống tham nhũngluật phòng chống tham nhũng

Các tin liên quan đến bài viết