Nếu có một ngày Lê Công Vinh quyết định rằng anh vẫn còn có ích cho bóng đá Việt Nam, có một sứ mệnh lớn rất cần anh đảm nhiệm.
Lê Công Vinh đã không còn chơi bóng nữa, giờ anh trở lại với cuộc sống thường nhật với những trách nhiệm của một người chồng, người cha. Một sự nghiệp thăng trầm không thiếu, nhưng Công Vinh có thể tự hào rằng anh đã luôn thể hiện tinh thần chuyên nghiệp, luôn giữ đôi chân ở trên mặt đất.
Công Vinh thôi nghiệp quần đùi áo số sau AFF Cup 2016
Nhưng liệu Công Vinh có chấm dứt hoàn toàn mọi liên hệ với bóng đá? Có thể một ngày nào đó ta sẽ được thấy Công Vinh lại xuất hiện trên sóng truyền hình để làm một bình luận viên phân tích.
Vậy còn viễn cảnh này thì thế nào: Lê Công Vinh làm quan ở VFF? Công Vinh có lẽ sẽ không bao giờ trở thành Tổng thư ký hay Chủ tịch VFF như Michel Platini làm chủ tịch UEFA, nhưng thẳng thắn mà nói điều đó không quan trọng.
Từ đường lối phát triển cầu thủ & CLB cho đến cung cách tổ chức V-League, rất nhiều tiêu cực đã nổi cộm từ nhiều năm nhưng không có dấu hiệu thay đổi vì bộ máy vẫn cũ, tư tưởng vẫn cũ. Muốn sự đổi mới thì không thể chỉ có con người mới, mà còn phải có những tư tưởng mới, cách làm mới.
Mà muốn đổi mới thì phải học hỏi, nghiên cứu từ những nền bóng đá tiến bộ hơn. Chuyện đi học hỏi nước bạn thực ra chẳng có gì mới. Các quan chức VFF đi học hết trời Âu rồi tới trời Á, cử người sang học hỏi J-League, bổ nhiệm một người Nhật làm trưởng ban tổ chức V-League, sau đó chuyển sang học hỏi… K-League.
Không rõ những người đi học có thực sự tiếp thu được gì hay không, nhưng V-Leaguekhông thay đổi, bóng đá Việt Nam vẫn không thay đổi. Mỗi lần áp dụng mô hình của bóng đá nước ngoài không thành công là lại điệp khúc “môi trường xã hội của họ khác chúng ta”, “phải biến đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam”.
Hết học J-League, bóng đá Việt Nam lại học hỏi cả K-League
10 năm trước bóng đá Thái Lan tụt dốc và còn “chảy máu” cầu thủ sang V-League như trường hợp của Kiatisak hay Dusit. Nhưng giờ Thai Premier League đã đi vào ổn định, giải VĐQG cho các lứa tuổi từ U13 đến U19 đã ra đời, và bóng đá Thái đang hướng đến mục tiêu dự vòng chung kết World Cup 2026.
Người Thái sang Anh học tập và đã thành công, trong khi Việt Nam cũng ở Đông Nam Á tại sao loay hoay học hết nước này lẫn nước khác đều thất bại?
Vậy thà chúng ta đặt niềm tin về sự thay đổi vào một cầu thủ thấy rõ những điều xảy ra trên sân bóng, có lẽ biết nhiều (và có lẽ cũng bức xúc) về các vấn đề của V-League hơn hẳn những ông quan bàn giấy, và được trải nghiệm ở những môi trường bóng đá quy củ hơn cũng như thấm nhuần những phẩm chất cần có của một cầu thủ chuyên nghiệp.
Vậy thì tại sao nên là Công Vinh? Một cầu thủ đã thi đấu ở Bồ Đào Nha và Nhật Bản, một người đã kéo dài sự nghiệp của mình nhờ tinh thần học hỏi và lối sống lành mạnh, một người thi đỗ đại học Luật và có thể giao tiếp ngoại ngữ cũng như hòa nhập với môi trường mới.
Liệu Công Vinh có thể là người hùng bóng đá không chỉ ở trên sân?
Do vậy nếu một ngày nào đó Công Vinh không cảm thấy vướng bận bởi những lo toan nhà cửa & con cái, nếu anh cảm thấy mình vẫn còn có thể đóng góp cho bóng đá nước nhà, đã có một sứ mệnh lớn dành cho người hùng của AFF Cup 2008.
Đây có phải một ý tưởng nực cười? Thế giới này được hình thành bởi những ý tưởng nghe chừng “nực cười”, “điên rồ” hay những tư duy vượt giới hạn (“out-of-box thinking”). Nếu Steve Jobs năm 1983 không nghĩ rằng cả một cỗ máy tính có thể được tích hợp vào một quyển sách cầm tay, thì ngày nay lấy đâu ra iPad?
Với một cầu thủ ham học hỏi, cầu tiến và luôn có khát vọng cống hiến cho bóng đá nước nhà như Công Vinh, việc anh vẫn gắn bó với bóng đá sau khi treo giày là điều hoàn toàn thực tế.
Nếu Công Vinh muốn làm quan, anh có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ, những người luôn muốn tìm kiếm 1 điều gì đó mới mẻ trong bộ máy điều hành nền bóng đá nước nhà. Vì thế ý tưởng một cựu cầu thủ như Công Vinh trở thành 1 quan chức bóng đá có lẽ vẫn là điều khả thi hơn ý tưởng điên rồ ngày nào của Steve Jobs.
Nguồn: 24h.com.vn