Họa sĩ Lê Minh Châu chia sẻ anh từng rách hàm, bị nhiều thứ đâm vào miệng khi luyện vẽ bằng cọ. Nhưng anh vẫn luôn quên mình là người khuyết tật.

 

3-12 được chọn là ngày Quốc tế người khuyết tật, cũng là ngày chương trình Sánh bước yêu thương của Quỹ vì trẻ em khuyết tật Việt Nam tổ chức “Tết” của người khuyết tật cho hàng trăm thiếu nhi của nhiều tỉnh thành tại Nhà thiếu nhi TP.HCM.

Vượt qua giới hạn khiếm khuyết thân thể - Ảnh 1.

Họa sĩ Lê Minh Châu hoàn thành bức tranh ngay tại sân khấu chỉ trong 15 phút, mang về cho Quỹ vì trẻ em khuyết tật Việt Nam 26 triệu đồng tại “Tết” của người khuyết tật 

Sự kiện gói gọn trong vài tiếng đồng hồ, nhưng mang lại nhiều cảm xúc cho người dự. Giống như thông điệp của chương trình mang lại, các em có thể khuyết tật một phần thân thể nhưng không hạn chế về mặt trí tuệ.

Tất cả tiết mục văn nghệ đều do các em từ các mái ấm, trung tâm biểu diễn. Các em người thì khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật vận động… nhưng vẫn hoàn thành tốt các tiết mục của mình khiến nhiều người xúc động.

Vượt qua giới hạn khiếm khuyết thân thể - Ảnh 2.

Tất cả các tiết mục tại chương trình đều do các em khuyết tật biểu diễn

Và có lẽ nhân vật “truyền cảm hứng” sống động nhất là họa sĩ trẻ Lê Minh Châu (1991) bằng bức tranh vẽ tại sân khấu trong 15 phút đã mang về 26 triệu đồng thông qua hoạt động đấu giá gây quỹ.

 Anh vẽ bằng miệng trên thân mình bé nhỏ, tay teo cơ, chân khòng khoèo xiêu vẹo, tự đi lại không dùng đến xe lăn nhưng từng đó phong thái cũng truyền cho mọi người được nguồn sống mạnh mẽ hơn, sống hết mình với đam mê bằng tất cả sự lạc quan mình có. “6 tháng tuổi tôi được đưa vào Làng Hòa Bình – Từ Dũ. 12 tuổi tôi biết đến vẽ. 17 tuổi, tôi ra khỏi Làng để tiếp tục tìm kiếm và thỏa mãn niềm đam mê của mình là hội họa” – anh Châu chia sẻ.

Có đam mê, anh mày mò học nhiều nơi, nhiều trường, nhiều người để mở phòng tranh, mong có ngày mình bước đến vinh quang là họa sĩ thế giới. Năm 2016, anh là người nhiễm chất độc da cam tham gia kỳ họp thứ 9 về Công ước về quyền của người khuyết tật tại Liên Hiệp Quốc diễn ra tại New York (Mỹ).

2016 là năm đánh dấu nhiều bước ngoặc mới trong cuộc đời anh bằng các giải thưởng. Chau, beyond the Lines (tạm dịch: Châu vượt qua giới hạn) là bộ phim tài liệu dài 34 phút về hành trình vượt lên số phận của anh do nữ đạo diễn Courtney Marsh người Mỹ thực hiện trong vòng 7 năm. Phim được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) trao đề cử Top 5 phim tài liệu ngắn xuất sắc tại Oscar 2016.

“Mình từng rách hàm khi luyện vẽ bằng cọ, và nhiều thứ khác đâm vào miệng vì tay không cử động được, nhưng rất nhiều lần quên đi mình là người khuyết tật. Mình hòa nhập và hoạt động như một người lành lặn khác” – Châu chia sẻ.

Không chỉ Lê Minh Châu, mà rất nhiều người khuyết tật khác đã chứng minh được rằng, mọi người đều như nhau, không có rào cản nào cả.

Như vợ chồng vận động viên Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải cũng chia sẻ tại chương trình, họ đã mang về cho đất nước rất nhiều huy chương vàng trong các kỳ Para Games, Paralympic… trong suốt 15 năm thi đấu vừa là niềm tự hào của Tổ quốc, vừa là sự vượt lên chính mình, vượt qua giới hạn khuyết tật thân thể.

Quỹ hoạt động đã 7 năm, và vẫn hứa hẹn sẽ mang đến niềm cảm hứng nhân văn cho các em khuyết tật. 100 triệu trao phần thưởng cho các em hôm nay và 124 triệu đồng quyên góp được tại chương trình đã thể hiện giá trị nhân văn đó.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bức tranhNgười khuyết tậtTết của người khuyết tật

Các tin liên quan đến bài viết