Người khuyết tật (NKT) là đối tượng yếu thế trong xã hội, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, đa số sống dựa vào gia đình, người thân hoặc sự trợ cấp của xã hội. Để giúp NKT có cuộc sống ổn định, những năm qua UBND huyện Phú Riềng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Huyện còn tạo điều kiện để NKT được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần rèn luyện sức khỏe và xóa sự mặc cảm, từng bước hòa nhập cộng đồng.

NHIỀU CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NKT

Huyện Phú Riềng hiện có 1.398 NKT, trong đó 258 trường hợp đặc biệt nặng, 622 người nặng, còn lại là nhẹ hoặc từ bệnh lý chuyển qua và có 268 người thuộc hộ nghèo. Chủ yếu khuyết tật về vận động, nghe nói, nhìn, thần kinh, trí tuệ… Phần lớn NKT có cuộc sống khó khăn, đặc biệt những người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin lại càng vất vả hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, thôn Phú Vinh, xã Phú Riềng bị khuyết tật vận động 61%, tập trung chăn nuôi để phát triển kinh tế

Để giúp NKT từng bước hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống, những năm qua UBND huyện Phú Riềng đã thực hiện đầy đủ chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước dành cho NKT. Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện đã chi trả trợ cấp hằng tháng cho trên 880 lượt NKT với trên 3,2 tỷ đồng; hỗ trợ mai táng cho 15 thân nhân gia đình có NKT hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với tổng 81 triệu đồng; thăm hỏi, tặng quà các đối tượng nhân Ngày NKT Việt Nam 264 triệu đồng. UBND huyện còn chỉ đạo Phòng Y tế huyện hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NKT tại nơi cư trú. Đồng thời, chỉ đạo các trạm y tế xã thực hiện chương trình phát hiện, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho NKT. Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện đã cấp trên 880 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng NKT hưởng trợ cấp hằng tháng. Huyện còn lập danh sách đề nghị tỉnh khám sàng lọc và phẫu thuật chỉnh hình, trợ giúp phục hồi chức năng cho trên 20 lượt NKT; cấp 10 xe lăn, 2 chân giả và 5 dụng cụ khác cho NKT.

Thực hiện quy định của pháp luật về tạo điều kiện cho NKT được tiếp cận các công trình công cộng,hằng năm UBND huyện Phú Riềng đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp vận tải hỗ trợ vé tàu, xe cho NKT; cải tạo, sửa chữa các công trình công cộng… Công tác GD-ĐT cho NKT cũng được huyện quan tâm chỉ đạo Phòng GD-ĐT, các trường học tạo điều kiện để NKT tiếp cận giáo dục chuyên biệt. Hiện đã có 52 lượt học sinh là NKT đang học tại các trường trên địa bàn huyện và được quan tâm hỗ trợ về sách vở, điều kiện học tập, miễn giảm học phí… Nhiều học sinh khuyết tật có kết quả học tập cao.

Ông Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Nội vụ – Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Bên cạnh những chính sách thực hiện thời gia qua, công tác chăm sóc NKT trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi số lượng công trình hạ tầng cơ sở trên địa bàn còn rất ít, nhất là công trình giao thông, cơ quan hành chính nhà nước, bệnh viện, trường học đã xây từ trước, chưa được cải tạo. Huyện chưa có trường chuyên biệt, cơ sở phục hồi chức năng dành cho trẻ em khuyết tật nên đa số các em bị khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chưa có cơ hội can thiệp phục hồi chức năng kịp thời. Đối với NKT ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế…

DẠY NGHỀ CHO NKT

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 52 NKT (từ 15-60 tuổi) được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và trị bệnh cho gà theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh phối hợp tổ chức tại các xã Phú Riềng, Long Hà và Phú Trung. Sau khi kết thúc khóa tập huấn, một số học viên còn được các trung tâm dạy nghề cấp con giống, vắc-xin, hướng dẫn kỹ thuật nuôi.

Trong năm 2018, huyện Phú Riềng đã thành lập đội tuyển vận động viên NKT để tham gia thi đấu tại hội thao NKT toàn tỉnh lần thứ IV năm 2018. Kết quả, đoàn thể thao NKT của huyện đạt 4 giải, trong đó, 1 giải nhì môn cầu lông, 1 giải ba môn bóng bàn, 1 giải ba môn xe lắc cự ly 100m nam và 1 giải khuyến khích môn đẩy tạ nam. Thông qua hoạt động này giúp NKT trên địa bàn được tham gia các hoạt động thể dục thể thao, góp phần rèn luyện sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần, xóa bỏ mặc cảm để từng bước hòa nhập cộng đồng.

Sau khi tham dự lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc gà, bà Nguyễn Thị Hoa, NKT nhẹ từ bệnh lý chuyển qua ở thôn Phú Tân, xã Phú Riềng được Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh cấp 500 con gà giống Ai Cập, giống gà siêu đẻ trứng và vắc-xin phòng bệnh. Trung tâm còn thường xuyên cử cán bộ đến tận nhà theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gà cho gia đình. Đến nay, đàn gà của bà Hoa phát triển rất tốt, dự kiến tháng 11 tới sẽ đẻ trứng lứa đầu tiên, giúp gia đình có thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Ngọc Tâm, thôn Phú Vinh, xã Phú Riềng bị khuyết tật về vận động 61% và gia đình khó khăn nhưng luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Hiện gia đình ông có 1 heo nái, 11 heo con, 2 con bò, 8 con dê, 80 con gà, vịt, ngỗng. Nhờ đó, gia đình ông Tâm đã có cuộc sống ổn định. Hay ông Nguyễn Văn Đương ở thôn 8, xã Long Hà, bị khuyết tật 1 mắt, 1 tay nhưng hằng ngày ông Đương vẫn chạy xe ôm kiếm sống và chở hàng ra chợ cho vợ bán. Hiện kinh tế gia đình ông Đương cũng ở mức trung bình khá.

Ông Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Nội vụ – Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Riềng cho biết: “Khó nhất của huyện hiện nay là số lượng NKT nhiều nhưng người có nhu cầu học nghề rất ít. NKT còn khả năng lao động chủ yếu làm những công việc nhẹ như đan lát, trồng trọt, chăn nuôi, cạo mủ cao su, bán vé số hoặc làm những công việc có tính chất thời vụ. Còn ở các công ty, cơ sở sản xuất – kinh doanh thì NKT khó có cơ hội để tiếp cận do đa số có trình độ học vấn thấp, sức khỏe yếu. Mặt khác, ở huyện chưa có cơ sở, trường dạy nghề dành cho NKT. Vì vậy, những người có nhu cầu học nghề phải đến các cơ sở dạy nghề tại thành phố Hồ Chí Minh, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả dạy nghề và tạo việc làm cho NKT”.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : cuộc sốngNgười khuyết tật

Các tin liên quan đến bài viết