Đầu tư nhiều, sáng tạo lắm nhưng các mô hình du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp độc đáo ở TP.HCM lại vẫn được ít người biết đến vì thiếu kết nối.

Những tour du lịch mới độc đáo mà ít người biết ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Trẻ em tham gia hoạt động bắt cá ao bùn tại một điểm du lịch ở Q.12, TP.HCM 

Dù nhiều doanh nghiệp, nhà vườn đã bắt tay tham gia cùng làm sản phẩm du lịch mới như mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, du lịch đường sông…

Tuy nhiên, do làm tự phát nên chưa kết nối được mạng lưới khách hàng lớn, hiệu quả chưa cao.

Trong khi đó, cơ quan quản lý khẳng định xu hướng trở về với thiên nhiên, đắm mình trong môi trường nông thôn, sông nước mát mẻ, trong lành đưa lại nhiều cơ hội phát triển.

Nhiều sản phẩm mới

 Sau khi nhận thấy lợi thế trong việc kết nối với du lịch đường sông, ông Huỳnh Thế Đạt, giám đốc khu nghỉ dưỡng sinh thái H2O (Đông Thạnh, Hóc Môn, TP.HCM), quyết định nộp đơn đến Sở GTVT để xin được mở bến thủy nội địa (điểm neo đậu tàu tập kết đưa khách lên xuống – PV) dẫn khách tới khu.

Theo ông Đạt, trong kế hoạch phát triển du lịch với bảy tuyến đường sông vừa được TP.HCM giới thiệu có tuyến điểm đi về địa đạo Bến Đình (Củ Chi), đi Bình Dương đều qua H2O.

“Chúng tôi sẽ làm điểm dừng chân phù hợp tính về vị trí cho tour tuyến này nên sẽ đầu tư mạnh tay”, ông Đạt khẳng định.

Ngoài kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỉ đồng xây bến tàu, ông Đạt cho biết đang xúc tiến đầu tư hàng tỉ đồng cho mô hình tắm bùn nhằm đa dạng hơn sản phẩm của khu nghỉ dưỡng này, đồng thời đầu tư thêm xe điện, nâng cấp đường dẫn bộ.

Có diện tích hơn 40ha với hàng chục loại cây ăn trái như măng cụt, chôm chôm, ổi…, đặc biệt là kênh rạch lớn cắt ngang, tổ cây ăn trái Trung An (Trung An, Củ Chi) với 60 hội viên cũng bắt đầu hút khách du lịch.

Theo ông Huỳnh Văn Huệ, Tổ trưởng, việc thu hút khách chủ yếu theo kiểu bán vé vào vườn từ đầu tháng 5 đến tháng 9 hằng năm khi vào mùa trái cây.

Theo ông Huệ, lượng khách đến điểm này khoảng 40.000 lượt khách/năm/mùa, còn khiêm tốn so với tiềm năng do khách phải đi tự túc bằng đường bộ. Nếu tận dụng được ưu đãi từ đường thủy, khách đến với đơn vị có thể tăng mạnh.

“Với một con rạch lớn thông với sông Sài Gòn có thể cho tàu trọng tải 500 tấn lưu thông, chưa kể sông rạch nhỏ uốn quanh. Để tạo điều kiện neo đậu, tôi đã đầu tư cầu phao để tàu thuyền cập vào hơn năm nay nhưng vẫn chưa có chuyến khách đường thủy nào”, ông Huệ nói.

Tìm cách đánh thức tiềm năng

Ông Nguyễn Minh Trí, Phó trưởng phòng nghiên cứu và phát triển du lịch Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng kết nối các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch đường sông để tăng tính trải nghiệm, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đang là định hướng phát triển của du lịch thành phố.

Tuy nhiên, hiện chưa có sự gắn kết nhiều giữa các khu, điểm du lịch với doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan liên quan nên các sản phẩm chưa phát triển mạnh.

Theo ông Trí, các vùng ngoại thành của TP.HCM như quận 9, các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn… có rất nhiều lợi thế để phát triển các mô hình và sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp. Đây là các sản phẩm đặc trưng, làm phong phú cho sản phẩm và điểm đến của du lịch TP.HCM.

Chẳng hạn, quận 9 có điểm nhấn độc đáo là cảnh quan sông nước hữu tình, Củ Chi rất thuận lợi cho phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái, Cần Giờ có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và là huyện duy nhất của TP.HCM có rừng ngập mặn.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển mảng du lịch là một sự tình cờ và khu này đã học kinh nghiệm từ một số địa phương để phát triển dịch vụ.

Thời gian đầu, đây là khu kinh tế kỹ thuật đặc thù, chưa phát triển dịch vụ du lịch, nhưng khi được chuyển giao, các địa phương đã làm du lịch rất tốt nên thành phố bắt đầu học hỏi.

“Cũng là cây đó, con đó nhưng chỉ cần đưa thêm dịch vụ vào là đã có thể tăng giá trị lên vài lần. Đến nay, chúng tôi bắt đầu xây dựng lại để phù hợp không gian dành cho du lịch”, ông Hiệp cho biết.

Vẫn mạnh ai nấy làm

Bà Phan Yến Ly, Trưởng phòng điều hành khối du lịch quốc tế Saigontourist, cho biết các mô hình du lịch như du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp… không cạnh tranh lẫn nhau mà bổ sung tính phong phú cho một tour du lịch.

Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm khá rời rạc, thiếu quy hoạch nên chưa hình thành kết nối giữa các sản phẩm du lịch, tạo ra nét riêng, không trùng lắp.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng du lịch sinh thái nghỉ dưỡng thường kén khách nên cần phải liên kết hiệu quả với các công ty lữ hành để dẫn tour, nhưng việc hợp tác này cũng chưa nhiều do “mạnh ai nấy làm”.

Bà Nguyễn Thị Lan, chủ nhà vườn Long Phước (quận 9), cho biết nhiều lần làm việc với các công ty lữ hành dẫn khách đường thủy để mong kéo khách hỗ trợ đường bộ gặp khó, nhưng tới nay chỉ sau vài lần dẫn khách tới kênh du lịch này đã dần chết yểu và vắng bóng dần.

Theo bà Lan, nhiều khách hàng kêu các công ty lữ hành lấy tiền tour cao gấp 3-4 lần đường bộ nên không mặn mà, chỉ số ít khách nước ngoài chọn đi tour.

Trong khi đó, các đơn vị lữ hành cho rằng chi phí đường sông quá cao nên không thể lấy giá tour rẻ như đường bộ.

Ông Trần Việt Long, Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt, cho rằng TP.HCM cần dành nhiều thời gian để phát triển nông nghiệp, tăng tính kết nối giữa các mô hình tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn.

“Chúng ta vẫn đang phát triển tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể nên chưa tạo sản phẩm đặc thù được. Ngoài ra, các sản phẩm cũng phải bàn cách để kéo dài thời gian lưu trú cho khách, tạo các tour một ngày hoặc ba ngày cho người dân TP.HCM, gia tăng thêm mức độ trải nghiệm” – ông Long đề xuất.

dulichsongsg-nhavuonlongphuocq7(5 4(read-only)

Du khách tham quan nhà vườn ở Long Phước, Q.9, TP.HCM

Khó trăm bề

Theo ông Huỳnh Thế Đạt, Giám đốc khu nghỉ dưỡng sinh thái H2O (Đông Thạnh, Hóc Môn), nếu TP chấp thuận cho xây bến thủy nội địa, khu du lịch này cũng gặp khó khăn nhất định trong việc tổ chức cho tuyến thuyền đi vào do lượng bèo lục bình, rác khá nhiều trên sông Sài Gòn và kênh rạch dẫn vào khu du lịch này.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan, chủ nhà vườn Long Phước (quận 9), cho biết từng nghĩ đến việc rao bán cơ sở này sau thời gian dài đóng cửa.

Theo bà Lan, vườn Long Phước từng đón hàng trăm lượt khách/ngày với 90% lượng khách đi đường bộ và 10% còn lại là khách đường sông.

Tuy nhiên, do không có bến xe riêng, đường vào khu vực không được đầu tư mở rộng nên khách đoàn đi xe lớn thường ngại vào.

“Tôi từng đề nghị với chính quyền nhiều lần về việc xin được sử dụng xe điện chở khách từ điểm xe buýt, bãi xe vào điểm du lịch với chỉ khoảng 3km nhưng nhiều năm nay vẫn không nhận được sự hỗ trợ”, bà Lan nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : doanh nghiệpdu kháchdu lịchTourTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết