Nói đến đẩy gậy, nhiều người nghĩ đây là môn thể thao đơn giản, chỉ cần có sức khỏe sẽ đẩy được đối phương ra khỏi vòng tròn thi đấu và trở thành người chiến thắng. Nhưng sự thật thì không phải vậy. Muốn chiến thắng, người chơi cần có kỹ – chiến thuật kết hợp sức mạnh, sự khéo léo, tâm lý ổn định.

Trước đây, đẩy gậy là môn thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số, được tổ chức trong những ngày lễ, tết. Sau này, đẩy gậy phát triển, trở thành môn thể thao quần chúng, thu hút đông tầng lớp, lứa tuổi yêu thích tham gia bởi sự đơn giản trong tổ chức, sôi động khi thi đấu. Mỗi trận chỉ 2 người đấu trên sân bê tông hoặc nền đất khô ráo đã vẽ sẵn vòng tròn đường kính 5m với 1 chiếc gậy chắc chắn. Gậy thi đấu làm bằng tre già thẳng hay những thanh gỗ tốt dài 2m, đường kính từ 4-5cm, sơn 2 màu đỏ và trắng (mỗi màu 1m); đầu và thân gậy được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau. Mỗi cuộc thi đẩy gậy thường diễn ra trong 2-3 hiệp.

Rất đông người dân tham gia đẩy gậy tại Đại hội Thể dục thể thao xã Đồng Tiến

Tại Đại hội thể dục thể thao xã Đồng Tiến (Đồng Phú) diễn ra tháng 9 vừa qua, đẩy gậy là một trong 7 môn thi đấu chính. Trong khoảnh sân bê tông chừng 100m2 tại xã Đồng Tiến rất đông người đến đăng ký tham gia môn đẩy gậy, đủ mọi thành phần từ nông dân, công nhân, bộ đội, công an, giáo viên, thanh thiếu niên, thậm chí một vài người già vui khỏe cũng tham gia. Không khí sôi động hẳn lên khi trận đấu đầu tiên bắt đầu, tiếng hò reo, cổ vũ không ngớt… Sân đấu “nóng” lên bởi những trận giằng co, khó phân thắng bại giữa các “cao thủ” trong vòng chung kết. Khán giả hồi hộp theo dõi diễn biến trận đấu và vỡ òa cảm xúc khi người xứng đáng “lên ngôi”.

Bà Lục Thị Đàm ở ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến, người về nhì cuộc thi đẩy gậy nữ trong Liên hoan văn hóa – thể thao các dân tộc thiểu số huyện Đồng Phú, giải nhất Đại hội thể dục thể thao xã Đồng Tiến năm 2017, cho biết: “Vóc dáng khá nhỏ, sức khỏe cũng không bằng các bạn trẻ, nhưng tôi có kỹ thuật được tích lũy qua nhiều năm tham gia hội thi. Vì vậy, tôi để các đối thủ ra sức đẩy, bản thân chỉ tấn chắc. Khi họ đẩy mệt dễ nóng vội sẽ nhổm người lên dồn sức, đây là cơ hội tốt để tôi bật đẩy mạnh. Đối phương bị mất điểm tựa, lại bất ngờ bị “phản đòn” nên sẽ thua”.

Anh Lâm Trung ở xã Nha Bích (Chơn Thành) được biết đến là người có sức khỏe dẻo dai, thường thi đấu đẩy gậy trong các liên hoan văn hóa – thể thao các dân tộc thiểu số, đại hội thể dục thể thao cấp huyện, tỉnh. Anh cho biết: “Đẩy gậy tưởng dễ mà thật ra rất khó. Không phải cứ có sức khỏe, thân hình to cao là thắng. Chủ yếu “ăn” nhau ở kỹ – chiến thuật, sự khéo léo, biết tận dụng cơ hội và “ra đòn” dứt khoát, chính xác”.

Hiện ngành thể thao tỉnh đã đưa đẩy gậy vào hệ thống các môn thi đấu chuyên nghiệp trong liên hoan văn hóa – thể thao các dân tộc thiểu số, đại hội thể dục thể thao các cấp. Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho mọi người dân trong tỉnh.

Nguồn Báo Bình Phước

Các tin liên quan đến bài viết