Sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.
Ước đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 của Chính phủ, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện; ước thực hiện cả năm đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu kế hoạch; mô hình tăng trưởng chuyển dịch đúng hướng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, chuyển hướng dựa vào vào công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.
Điều quan trọng là nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc; củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ.
Một trong những kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, trên 1 điểm phần trăm; quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 225 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD. Kết quả này là sự đóng góp của tất cả các ngành, lĩnh vực, thể hiện ở mức tăng cao, đồng thời ở cả 3 khu vực. Nổi lên là tăng trưởng cao ở khu vực công nghiệp và xây dựng (7,6%), trong đó, đóng góp chủ yếu là của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 12,9%), nhờ sự mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng đột biến của các doanh nghiệp lớn thuộc ngành điện tử, điện thoại (như nhà máy Samsung), ngành thép (như nhà máy Formosa). Khu vực dịch vụ tăng mạnh (7,6%) với sự khởi sắc của dịch vụ bán buôn, bán lẻ trong nước (tăng 8,7%), khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 13 triệu lượt khách, tăng 30%. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phục hồi, tăng 2,9%, trong đó đóng góp chính là ngành thủy sản, tăng 5,5%…
Chính phủ cũng cho biết, nhiều chỉ tiêu khác cũng tăng cao so với năm 2016, phản ánh kết quả tăng trưởng năm 2017 là hợp lý, như: xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt 202 tỷ USD, tăng 14,4% (cao gấp hơn 2 lần so với tốc độ tăng GDP và cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng của năm 2016); thu ngân sách nhà nước ước tăng 10,1% (cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng GDP); huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,4% GDP, tăng 12,6% (cao gấp gần 1,5 lần tốc độ tăng của năm 2016), trong đó vốn FDI thực hiện tăng mạnh, ước đạt 17 tỷ USD, tăng 7,5%, vốn đầu tư thực hiện thông qua góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 3 tỷ USD; doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, tăng 13,5% về số doanh nghiệp và tăng 36,3% về số vốn đăng ký…
Mục tiêu tăng trưởng 6,7% vẫn là thách thức lớn
Thẩm tra báo cáo này, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí cho rằng, với tình hình tăng trưởng kinh tế khả quan, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt và các cân đối vĩ mô cơ bản ổn định thì một loạt các giải pháp, chính sách đã đề ra phải được xem xét, điều chỉnh hợp lý hơn. Đây là cơ hội để đẩy mạnh thực hiện các chính sách với tầm nhìn trung và dài hạn như chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có giá trị gia tăng thấp sang ngành có giá trị gia tăng cao hơn, tiếp tục tạo ra thay đổi tích cực về thể chế, môi trường kinh doanh, chủ động điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước còn quản lý. Bên cạnh đó, các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn như phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% (so với chỉ tiêu khoảng 18% từ đầu năm), đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thúc đẩy tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất trong bối cảnh nợ xấu còn cao… cần được quan tâm, đánh giá rõ hơn về chất lượng, tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo. Ngoài ra trong điều hành nền kinh tế cần hạn chế việc ban hành quyết định mang tính hành chính, áp đặt, can thiệp không phù hợp quy luật thị trường.
Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra cho rằng GDP năm 2017 ước thực hiện sẽ đạt 6,7% với điều kiện tăng trưởng quý IV đạt mức 7,4%-7,5%. Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa, bên cạnh đó là rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng của ngành nông nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết… Ngoài ra, yếu tố cảnh báo về thiên tai, bão, lũ lụt vẫn hiện hữu là thách thức đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến thành viên UBTVQH thống nhất với những nhận định được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2017; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế – xã hội. Với ý kiến băn khoăn lo ngại không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, nhất là sau khi Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ không đạt mức trên, ông bày tỏ: “Tôi rất tin, không hoài nghi bởi trong lịch sử, bao giờ họ cũng đánh giá chắc chắn ở mức dưới, còn chúng ta đánh giá ở mức tối đa, chứ không phải khác biệt. Chúng ta phải có lòng tin, từ năm 2015 chúng ta có Luật thống kê mới, áp dụng từ năm 2016 nên những số liệu đã theo chuẩn mực thông lệ quốc tế, Tổng cục Thống kê tính toàn bộ chứ không phải địa phương thống kê”.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng để đạt mức tăng trưởng 6,7% không phải đơn giản bởi trong quý IV phải đạt được mức 7,4-7,5%. “Tôi cho rằng rất khó khăn, ví dụ ngay những ngày gần đây thiên tai, bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản cho nhiều tỉnh. Do đó, Chính phủ phải rà soát, dự báo hết những khó khăn để làm sao đề ra những phương án khả thi nhất để đạt được mức tăng trưởng này”.
Ông cũng đề nghị,Chính phủ cần lưu ý đánh giá cụ thể thêm về vấn đề an ninh trật tự, các loại tội phạm, tham nhũng, tội phạm mạng, tình trạng chống người thi hành công vụ; vấn đề BOT ở một số địa phương…
Về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, Phó Chủ tịch nhấn mạnh đây là thời diểm quan trọng, giữa nhiệm kỳ, các chỉ tiêu phải đánh giá sát, đúng. Ông đề nghị Chính phủ phải báo cáo phải thêm về các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, tác động của các FTA…
Thống nhất với nhiều đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế – xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, lần đầu tiên trong những năm gần đây chúng ta đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu đạt ra, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng trước đây rất khó đạt được như tổng mức đầu tư xã hội, CPI, bội chi… Theo ông, điều quan trọng là cần phải lí giải rõ trước Quốc hội những điều kiện, yếu tố nào để đạt được những thành tích trên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị phân tích, mổ xẻ rõ vấn đề đã được Ủy ban Tài chính – Ngân sách chỉ ra khi thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017 là thu nội địa ước cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán. Đặc biệt, thu từ 3 khu vực kinh tế: doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán. “Khu vực DNNN có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán, tiền bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 48.000 tỷ đồng so với dự toán 120.000 tỷ đồng; đặc biệt là thu bán vốn Nhà nước mới chỉ đạt 16,7% (10.000 tỷ đồng) nhưng Chính phủ vẫn ước thực hiện cả năm đạt 100% là rất khó khăn. Đây là những con số rất đáng ngại, phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế còn chậm, thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững và thiếu tính ổn định” – Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Ông đề nghị Chính phủ cần phân tích kỹ yếu tố gì, nguồn lực nào để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,7%.
Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ, tại sao mức tăng trưởng kinh tế năm đạt 6,7% mà năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu ban đầu là khoảng 6,5%?
Chiều nay, UBTVQH sẽ cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành./.
Nguồn dangcongsan.vn