Cụ thể, chuyên gia Foing mô tả trong hơn một thập kỷ nữa (tức năm 2030), một cộng đồng cư dân nhỏ sẽ bắt đầu sống trên Mặt trăng, và trong 10 năm tiếp theo, khoảng 100 người khác sẽ gia nhập nhóm đi tiên phong này.
Nhà khoa học của ESA tin rằng các chuyên gia, kỹ sư… sẽ là những người đầu tiên gọi Mặt trăng là nhà. Đến năm 2040, ông hình dung dân số sẽ dao động vào khoảng 100 người.
“Năm 2050, chúng ta sẽ có khoảng 1.000 người (trên Mặt trăng) và sau đó… một cách tự nhiên, mọi người có thể nghĩ đến chuyện mang gia đình, người thân lên đó sinh sống” – ông Foing giải thích với Hãng tin AFP của Pháp.
“Khả năng là sẽ có những đứa trẻ ra đời trên Mặt trăng” – ông bổ sung thêm đầy hứng khởi.
Kế hoạch này được công bố năm ngoái tại hội thảo chuyên đề về không gian lần thứ 32 tổ chức tại Mỹ. Theo đó, “Làng Mặt trăng” sẽ là một căn cứ dành cho khoa học, kinh doanh, khai thác khoáng sản và thậm chí là du lịch.
Ông Jan Woerner, tổng giám đốc ESA, giải thích về kế hoạch trong đoạn video bên dưới.
Theo tính toán của các nhà khoa học, để sinh tồn trên Mặt trăng – vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất, những người đi tiên phong sẽ phải tận dụng được những gì họ tìm thấy tại chỗ để xây chỗ ở và các công trình khác.
Chẳng hạn, đá núi lửa có thể hữu ích nếu được dùng với công nghệ in 3D, theo nhà vật lý Vidvuds Beldavs thuộc Đại học Latvia. Còn để có nước sinh hoạt, con người có thể làm tan băng thu được từ hai cực của Mặt trăng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của kế hoạch chinh phục Mặt trăng hiện nay lại là… quyết tâm chính trị, đặc biệt nếu tính đến việc Trạm không gian quốc tế (ISS) sẽ ngừng hoạt động vào năm 2024.
“Nghe khá là đáng buồn… nhưng chúng tôi chưa thu hút được sự chú ý của giới lãnh đạo cấp cao” – nhà khoa học Baldavs than thở.
Ngoài trở ngại đó thì hiện có rất nhiều nhà khoa học và giới tìm kiếm cơ hội đầu tư hứng thú với ý tưởng “Làng Mặt trăng”, góp phần làm tăng hi vọng một ngày nào đó dự án này sẽ trở thành hiện thực.
Cuối cùng, đối với những ai quan tâm mua một tấm vé lên Chị Hằng, nhà vật lý Christiane Heinicke có một lời cảnh báo: cuộc sống sẽ rất khó khăn.
Bà Heinicke đã trải qua một năm sống với 5 người khác trong một môi trường giả lập các điều kiện trên sao Hỏa tại Hawaii. Trong suốt thời gian đó, liên lạc giữa họ với thế giới bên ngoài rất hạn chế.
“Đó là một thế giới không dành cho tất cả mọi người” – bà Heinicke đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân.
Nguồn: tuoitre.vn