Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do bà Trần Tuyết Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, hôm nay đã giám sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Sở Y tế về tình hình thực hiện công tác an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính từ năm 2012 đến nay, đã cấp 1.703 giấy xác nhận kiến thức cho 1.703 người thuộc cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; cấp 304 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Trên địa bàn tỉnh hiện có 275 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như BRC, ISO 22000,…
Cũng từ năm 2012 đến tháng 8.2017, đã lấy 265 mẫu thực phẩm đưa đi kiểm nghiệm, phát hiện 80 mẫu không đạt, chiếm 30%. Số mẫu không đạt này tập trung vào sản phẩm thủy sản và các thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào phải xử lý hình sự có liên quan đến vi phạm các quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo chất lượng.
Theo Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản quy mô nhỏ lẻ, không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; nhân lực, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thanh kiểm tra, giám sát ATTP còn thiếu. Sở đề nghị: tăng ngân sách đảm bảo công tác quản lý ATTP; bố trí đủ nhân lực thực hiện công tác chuyên môn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò các hội, đoàn thể trong đấu tranh, phát hiện vi phạm về ATTP gắn với khen thưởng kịp thời các gương điển hình thực hiện ATTP, cũng như phát hiện cơ sở vi phạm về ATTP.
Ghi nhận nỗ lực, cố gắng của Sở NN&PTNT trong công tác ATTP trong điều kiện còn nhiều khó khăn về con người, thiếu trang thiết bị chuyên dụng, kinh phí hoạt động, bà Trần Tuyết Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh, trưởng Đoàn giám sát, đề nghị thời gian tới, Sở chủ động làm tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân công; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản, chỉ đạo điều hành có hiệu quả công tác đảm bảo ATTP; phối hợp với các sở, ngành xây dựng Đề án truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm; quy chế phối hợp, trách nhiệm cụ thể các bên liên quan; tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, tái vi phạm, không lợi ích nhóm, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật; quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là ngành dọc ở tuyến huyện; sử dụng đúng mục đích, hiệu quả kinh phí được cấp trong công tác ATTP./.
** Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay công tác quản lý ATTP của ngành y tế được giao cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh. Từ 2011 đến nay, ngành đã cấp 15.129 giấy tập huấn kiến thức ATTP và xác nhận kiến thức ATTP cho các đối tượng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua thanh kiểm tra phát hiện 401/1.521 cơ sở vi phạm (chiếm 26,3%), 93 cơ sở bị xử lý, xử phạt gần 647 triệu đồng; chuyển hồ sơ cho các sở ngành liên quan xử phạt gần 240 triệu đồng. Từ năm 2011 đến 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 542 người mắc.
Sở Y tế nhận định: nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của người kinh doanh thực phẩm còn hạn chế, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thời gian qua, ngành cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATTP và xác nhận kiến thức ATTP cho các đối tượng kinh doanh thực phẩm chưa đáp ứng thực tế; sự phối hợp trong công tác quản lý ATTP chưa chặt chẽ, thường xuyên; phương tiện kiểm tra thiếu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tại buổi giám sát, sau khi nhiều thành viên đoàn giám sát đề nghị làm rõ vai trò của ngành, sự phân cấp, trách nhiệm, lãnh đạo ngành y tế tỉnh đã lần lượt thông tin thêm nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch 97 ngày 4/6/2012 của UBND tỉnh về kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến 2030.
Nguồn BPTV