Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã họp khẩn ngay sáng 13-9 để ứng phó với cơn bão này. Cơn bão dự kiến sẽ đổ bộ vào Nam Định – Quảng Bình, trọng tâm là Nghệ An – Hà Tĩnh.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 7h sáng 13-9, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 – 90 km/h), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và mạnh lên.
Đến 7h ngày 14-9, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 – 115km/h), giật cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh; gió bão mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10. Vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, giật cấp 14. Biển động dữ dội.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 13,0 độ vĩ Bắc đến 19,0 độ vĩ Bắc; phía đông 112,0 độ kinh Đông.
Trong 24 – 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm.
Đến 7h ngày 15-9, vị trí tâm bão ở cách bờ biển các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh khoảng 320km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135 – 150km/h), giật cấp 15.
Trong 48 – 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 10, chủ trì hội nghị, trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 10 rất nguy hiểm và diễn biến phức tạp nên các bộ ngành, các tỉnh, địa phương không được chủ quan.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương phải bám thật chặt, cập nhật các dự báo của các trung tâm khí tượng tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu, đưa ra dự báo sát với thực tế, tránh chủ quan hoặc gây hoang mang cho người dân.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão. Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các phương tiện đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định từ 13 đến 19 độ vĩ Bắc, phía đông kinh tuyến 114 độ kinh Đông (khu vực nguy hiểm sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của bão) và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra thời gian qua. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý, đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du.
Bão mạnh, di chuyển nhanh và phức tạp
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường – giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương – đánh giá đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, nguy hiểm và diễn biến phức tạp .
“Càng vào sâu, bão càng mạnh lên, di chuyển tốc độ 15 – 20km/h. Đến mai, bão sẽ tăng tốc lên 20km/h và khi đi vào vịnh Bắc Bộ có thể đạt sức gió cấp 12, giật cấp 15.
Đây là cơn bão trẻ, đang ở ngày thứ 2. Dự kiến chiều tối 15, đêm 16-9, bão sẽ đi vào đất liền nước ta, khi đó bão ở thời kỳ mạnh nhất do tuổi thọ của bão chỉ 7-8 ngày.
Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào Nam Định – Quảng Bình, trọng tâm là Nghệ An – Hà Tĩnh. Với cường độ như thế này, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4″ – ông Cường nói.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 15 đến trưa 16-9, các tỉnh từ Thanh Hóa – Quảng Trị sẽ có mưa to đến rất to, phổ biến 100-300mm, riêng Nghệ An – Quảng Bình mưa 300-400mm.
Nguồn: tuoitre.vn