Ngày 12-9, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh phối hợp một số sở, ngành giám sát việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện Phú Riềng.
Bà Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, toàn huyện có 400 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, căn-tin trường học thuộc quản lý của cấp huyện và xã. Trong đó có 200 cơ sở sản xuất – kinh doanh nhỏ lẻ do cấp xã quản lý. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thường mang tính tự phát, theo mùa vụ, việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm chưa nghiêm. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng không thuộc đối tượng đăng ký kinh doanh, gây khó khăn trong việc quản lý và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trưởng đoàn giám sát Trần Tuyết Minh phát biểu tại buổi làm việc
Từ ngày 1-8-2015 đến 30-6-2017, huyện Phú Riềng đã ban hành 92 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó có 91 trường hợp đã thi hành với 197,4 triệu đồng. Dịp tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm, tết Trung thu, huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra 507 lượt cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống; phát hiện 139 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 12 cơ sở với tổng 29 triệu đồng; buộc tiêu hủy sản phẩm ở một số cơ sở.
Phó chủ tịch UBND huyện Phú Riềng Trần Thị Loan cho biết: Khó khăn lớn nhất của huyện là thiếu nhân lực và chưa có trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh. Thời gian qua, để đảm bảo công tác dự phòng, huyện phải nhờ sự hỗ trợ của huyện Bù Gia Mập và Sở Y tế. Huyện đề xuất ngành y tế hỗ trợ trang thiết bị cho Trung tâm Y tế huyện nhằm đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn và thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát Trần Tuyết Minh đề nghị lãnh đạo huyện quan tâm các vấn đề: tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, không bỏ sót mảng nào. Không chủ quan với kết quả chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm trong 2 năm qua, đặc biệt đối với quản lý thức ăn đường phố. Chú trọng tuyên truyền đối với người dân, nhà quản lý, hộ kinh doanh thức ăn, người dân vùng sâu, xa. Tăng cường thanh – kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; các tổ chức, cá nhân vi phạm đến đâu, xử lý đến đó, không nể nang nhằm mang tính răn đe. Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm huyện phải gắn kết các thành viên, hoạt động hiệu quả, khắc phục tình trạng hoạt động hình thức, chung chung của các ban chỉ đạo tuyến huyện. Phối hợp với UBMTTQVN huyện tuyên truyền, nâng cao vai trò giám sát, tố giác vi phạm lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhân dân.
Nguồn Báo Bình Phước