Những ngày qua, UBND tỉnh, các huyện, thị xã ban hành nhiều văn bản yêu cầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội và ngành chức năng cùng với nông dân nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng trừ, khắc phục tình trạng sâu bệnh gây hại trên cây điều đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Trước đó, ngày 4-4-2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thị xã, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật trên địa bàn; huy động lực lượng cán bộ chuyên môn giúp các huyện, thị theo dõi, chỉ đạo phòng trừ dịch hại trên cây điều. Đồng thời, tăng cường thanh – kiểm tra hoạt động buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là kinh doanh thuốc ngoài danh mục, thuốc giả, thuốc kém chất lượng…

Thời tiết biến đổi cực đoan, khó lường đã làm phát sinh nhiều sâu bệnh hại trên cây điều như: thán thư, bọ xít, bọ trĩ, sâu róm; sâu đục thân, cành; khô bông, khô ngọn, khô cành, cháy lá… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây điều. Trong đó, dù chưa thành dịch nhưng bọ xít muỗi đang là loài gây hại nguy hiểm trên cây điều, làm khô ngọn, cành non. Một số nhà nông có kinh nghiệm trồng loại cây này ở xã Tân Hưng (Đồng Phú) cho rằng, vườn điều nếu gặp bọ xít muỗi có thể bị thiệt hại về năng suất không chỉ vụ này mà ảnh hưởng cả đến niên vụ sau. Và theo dự báo, thời gian tới, thời tiết vẫn diễn biến theo hướng thuận lợi cho sâu bệnh trên cây điều phát triển, phát tán diện rộng. Điều đáng lo ngại là một số vườn điều của đồng bào dân tộc thiểu số hiện bị các loại bệnh tấn công, đã bỏ bê không chăm sóc, dẫn đến phát sinh, phát tán bệnh sang những vườn kế bên. Nếu không có các biện pháp phòng trừ kịp thời thì nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.

Từ sâu bệnh hại trên cây điều diễn ra gần đây cho thấy, việc áp dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến, nghiên cứu thay đổi dòng giống với ưu điểm kháng bệnh, gắn với các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tác động của thời tiết, sâu bệnh đến năng suất cây điều là việc làm đặc biệt cần thiết. Đây cũng là ý kiến trao đổi của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước ngày 8-9 về phát triển ngành nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần thực hiện tốt việc dự báo, tham mưu, chỉ đạo phòng trừ hiệu quả dịch hại trên cây điều; quản lý tốt ngay từ đầu đối với các loại dịch hại chính có nguy cơ gây dịch cao. Việc cấp bách và cần thiết nhất hiện nay là hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện bệnh hại để xử lý sớm; tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho nông dân ngay trên vườn theo phương châm “mắt thấy, tai nghe, cùng thực hiện”. MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội, ngành chức năng “xắn tay áo” vào cuộc như thành lập các đội tình nguyện để hỗ trợ kỹ thuật, tuyên truyền biện pháp phòng chống đến các hộ dân bị sâu bệnh hại trên cây điều, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để khuyến cáo sai mục đích, tăng giá thuốc, bán thuốc không bảo đảm chất lượng… Có sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho ngành điều và người nông dân, trước hết là vụ điều 2017-2018 gần tới.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : bố tríbô xítsâu rómthán thư

Các tin liên quan đến bài viết