Cả tỉnh có hàng trăm cây cầu dân sinh với cấu trúc khác nhau. Cầu làm bằng dây cáp ròng rọc, lốp xe là những hình ảnh không còn xa lạ với người dân các huyện Bù Đăng, Bù Đốp… Ước mơ một ngày được đi trên những cây cầu xây kiên cố đã có hy vọng khi quý 4/2017, Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (Dự án LRAMP) theo Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 2-3-2016 của Bộ Giao thông – Vận tải (GT-VT), với nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới sẽ bắt đầu khởi công xây dựng.
NÍN THỞ QUA CẦU
Xã Phú Sơn (Bù Đăng) có hàng chục cây cầu treo, trong đó 4 cầu thuộc Dự án LRAMP. Trong đó 2 cây cầu treo ở thôn Sơn Lang có lượng người đi lại đông nhất, vì rẫy của người dân và các dự án xã hội của xã Phú Sơn ở phía bên kia sông Lấp, (nay thuộc các xã Bom Bo, Đắk Nhau, Bình Minh). Để rút ngắn khoảng cách di chuyển mỗi khi mùa mưa đến, Công ty TNHH Đức Bình, phường Tân Xuân (Đồng Xoài) – đơn vị thực hiện dự án xã hội, đã làm một cầu sắt để công nhân và người dân từ Phú Sơn dễ dàng đi làm cũng như vận chuyển nông sản khi đến mùa. Mùa mưa năm 2011, cây cầu này này đã bị trôi. Trước tình hình đó, mỗi nhà đã mua dây thừng, ròng rọc… để tự bắc cầu đi. Trên chiếc cầu đặc biệt này, người dân cũng thiết kế một khung sắt để đảm bảo an toàn. Khi muốn di chuyển, chỉ cần ngồi ổn định lên khung sắt và kéo dây cáp, sau 3 phút dập dềnh trên dòng nước, người dân đã qua được bên kia sông. Một cầu treo còn lại của thôn Sơn Lang còn làm đơn giản hơn, không có khung sắt, cả người và phương tiện cùng treo lủng lẳng qua sông bằng chiếc lốp xe tự chế. Khi qua sông, người và phương tiện cột trên lốp xe, một người trên bờ sẽ kéo dây cáp, chỉ 3 phút sau là sang bên kia bờ.
Cầu ấp 7, xã An Khương là một trong những cây cầu nằm trong dự án thành phần 2 của Dự án LRAMP dự kiến khởi công trong quý 4/2017
Chị Lâm Thị Oanh, thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn cho biết: Nếu không có cầu treo, tôi phải lưu thông đường bộ từ nhà đến rẫy 70km (từ xã Phú Sơn qua ngã ba Minh Hưng rồi vào Đắk Nhau). Năm 2005, tôi làm dây ròng rọc để dễ dàng đi lại và vận chuyển nông sản trong vụ thu hoạch. Qua sông bằng dây cáp biết là nguy hiểm, nhưng đành chịu. Để tránh rủi ro, trước khi đi tôi phải kiểm tra dây, trụ. Hằng năm hàn khung mới thay dây cáp. Đợt rồi, chúng tôi thấy có nhiều đoàn về kiểm tra, đo đạc, nghe đâu được đầu tư làm cầu. Nếu có dự án, mong được các cấp hỗ trợ sớm để người dân không còn phải đánh đu với “tử thần” nữa.
Mặc dù không phải là cầu treo nhưng cầu dân sinh của người dân tổ 7, xã An Khương (Hớn Quản) cũng trong danh sách 15 cầu được phê duyệt của Dự án LRAMP. Là đoạn đường tiếp nối giữa các tổ trong ấp, thế nhưng mặt cầu rộng chưa đầy 1m, hai bên mô cầu sụt lún, dập dềnh mỗi khi xe chạy qua.
Ông Hoàng Văn Viện, Trưởng ấp 7 cho biết: Trước năm 2011, mỗi khi mưa lớn, nước dâng rộng cả trăm mét, không biết đâu là mặt cầu. Mỗi lần như vậy, khoảng 100 hộ dân các tổ 3, 4, 5 (ấp 7) và tổ 5, 6 (ấp 2) phải đi đường vòng dài 12km ra tới ấp Phu Miêng, xã Tân Lợi (Hớn Quản) để đưa con đi học. Trong khi đó, nếu cầu bảo đảm an toàn khi đi lại thì chỉ đi 3-4km theo đường cầu qua suối. Để khắc phục khó khăn, người dân ấp 7 đóng góp 100 triệu đồng để làm cầu bê tông. Nhưng cầu do nhân dân tự thiết kế và thi công, kinh phí ít, trong khi suối có độ dốc, nước chảy mạnh nên công trình nhanh xuống cấp chỉ sau vài năm sử dụng. Mùa mưa năm 2017, UBND xã An Khương đầu tư thêm 50 triệu đồng tu sửa cầu cho dân đi tạm, trong khi chờ chấp thuận đầu tư xây cầu theo Dự án LRAMP.
SẼ CÓ NHỮNG CÂY CẦU NỐI NHỊP BỜ VUI
Bình Phước là một trong những tỉnh được Bộ GT-VT chọn triển khai Dự án LRAMP, giai đoạn từ năm 2016-2021. Trên cơ sở rà soát danh sách các cầu của Ban quản lý Dự án ngành GT-VT Sở GT-VT tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chấp thuận đầu tư 15 cây cầu dân sinh với tổng vốn dự kiến 24,5 tỷ đồng, trước mắt xây dựng 14 cầu, còn 1 cầu sẽ tiếp tục thực hiện nếu đủ vốn. Để đảm bảo tiến độ thực hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chấp thuận phân chia 14 cầu thành 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 gồm 4 cầu tại huyện Bù Đăng với số vốn khoảng 11,195 tỷ đồng; dự án thành phần 2 gồm 10 cầu ở các huyện: Bù Đốp, Hớn Quản, Lộc Ninh, Đồng Phú và thị xã Phước Long, ước khoảng 13,333 tỷ đồng. Ngoài ra, cầu Đắk Mai 2 ở huyện Bù Gia Mập sẽ đầu tư nếu cân đối được vốn.
Chị Lâm Thị Oanh ở thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn hằng ngày phải qua sông Lấp đến rẫy bằng ròng rọc tự chế
Ông Nguyễn Văn Kiên, phụ trách Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Ban quản lý Dự án ngành GT-VT Sở GT-VT cho biết: Mục tiêu dài hạn của Dự án LRAMP là phát triển và quản lý tốt mạng lưới đường giao thông ở các tỉnh, thành; hỗ trợ xây dựng các cầu dân sinh trên các tuyến đường giao thông nông thôn, tạo đà xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa cho các vùng, miền trên toàn quốc. Tại Bình Phước, Ban quản lý Dự án ngành GT-VT chỉ là đơn vị được giao phối hợp với các đơn vị của Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vì thế việc đóng góp, chỉnh sửa hồ sơ còn nhiều khó khăn, chậm trễ nên không thực hiện được sớm. Hiện hồ sơ 10 cây cầu thuộc dự án thành phần 2 đã được phê duyệt, dự kiến quý 4/2017 sẽ khởi công, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh.
Nguồn Báo Bình Phước