Người dân Việt Nam rất ngại nhận mình là người nghèo. Vì thế, việc các “quan xã” ở Nga Thanh, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) ghép tên vợ con vào sổ hộ khẩu của nhiều hộ nghèo thời gian vừa qnghèoua đang gây bức xúc dư luận. Không phải vì gia đình họ là hộ nghèo mà chỉ vì lòng tham, lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo để trục lợi.
Những hộ nghèo không thể không bức xúc khi “người lạ” đột nhiên xuất hiện trong sổ hộ khẩu các hộ nghèo, mà lại là thân nhân của các cán bộ xã, trong khi con cái của họ bị đẩy ra khỏi hộ khẩu. Cụ thể, bà Vũ Thị Sen (vợ ông Vũ Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã) được ghép vào hộ nghèo Nguyễn Thị Mận. Bà Phạm Thị Tươi (vợ ông Mai Sỹ Thể, cán bộ văn hóa xã) được ghép vào hộ nghèo Trịnh Thị Hóa. Bà Trần Thị Hồng (vợ ông Phạm Hùng Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã) được ghép vào hộ nghèo Lưu Thị Hiền. Bà Mai Thị Loan (vợ ông Phạm Văn Hiếu, Phó bí thư Đảng ủy xã) được ghép vào hộ nghèo Nguyễn Thị Thanh. Trong đó, cả 4 trường hợp trên đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế và 2 trường hợp vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nga Sơn dành cho hộ nghèo với số tiền 50 triệu đồng là bà Trần Thị Hồng và bà Phạm Thị Tươi. Vì thế, con gái độc thân của cụ Nguyễn Thị Thanh (SN 1931) bị loại khỏi danh sách hộ nghèo.
Giải thích về các trường hợp “nhầm tên” này, lãnh đạo xã cho rằng: “Trưởng thôn thấy chị ấy đau ốm thường xuyên nên đưa vào theo kiểu “tình thương mến thương”. Theo tôi, không phải cái gì cũng phải chính xác 100%, hơn nữa việc đó cũng không lớn lắm”. Có lẽ, với tư duy cùng tình thương người “bao la” như lãnh đạo xã nơi đây thì việc tên người khá giả “viết nhầm” vào sổ hộ nghèo sẽ khó mà dừng lại. Với họ, chuyện “không lớn” nhưng với người nghèo, đó lại là vấn đề không nhỏ, bởi sẽ có những người nghèo thực thụ mất đi cơ hội được vay vốn thoát nghèo, được chữa bệnh khi không có tiền để đảm bảo quyền được sống (bảo hiểm chi trả 100%). Trong khi những người được ưu ái kia đủ khả năng vay vốn với lãi suất cao hơn, đủ khả năng chi trả những khoản bảo hiểm y tế theo quy định. Thật khó chấp nhận một người có trách nhiệm lo cho dân lại xem việc người dân nghèo bị mất quyền lợi là “chuyện không lớn”.
Trong lần tác nghiệp tại huyện Chơn Thành, tôi từng nghe một người dân ở đây nói, nếu phải đóng 20 triệu đồng để được vào danh sách hộ nghèo, tôi sẵn sàng đóng liền. Vì vào sổ hộ nghèo thì quyền lợi của cả gia đình được hưởng rất nhiều, nhất là liên quan đến kinh tế, giáo dục, y tế… Đây là chuyện “nói cho vui” nhưng cũng đáng để nhiều người phải suy nghĩ.
Giảm nghèo là chính sách an sinh xã hội đầy nhân văn mà Đảng và Nhà nước ta dành hỗ trợ để người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Tiếc là nhiều hộ không nghèo nhưng lóa mắt trước lợi ích vật chất mà đánh mất lòng tự trọng, cướp đi cơ hội của người khốn khổ hơn mình. Vì thế, việc xét hộ nghèo ở thôn, xóm phải được minh bạch, đừng biến quá trình xét duyệt thành cơ hội để những kẻ xấu trục lợi. Cần phê phán những trường hợp giấu bớt tài sản hoặc không công nhận tài sản gia đình mình đang sử dụng để được vào sổ hộ nghèo. Những cán bộ xã và trưởng xóm ghi tên người thân của mình vào danh sách hộ nghèo phải bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.