Nhiều học sinh học hai buổi/ngày, tối tiếp tục đi học thêm đến 21h và thường phải thức dậy lúc 3h-4h sáng để tiếp tục làm bài.
Học sinh một trường THCS ở TP.HCM học hai buổi/ngày
Em Anh, học sinh lớp 12 tại một trường THPT công lập khu vực quận 1 (TP.HCM), cho biết ngoài hai buổi/ngày học trên trường, em còn học thêm các môn toán, lý, hóa để thi, xét tuyển đại học. Ngoài ra, em còn học thêm môn ngữ văn để phục vụ thi tốt nghiệp THPT, học thêm môn tiếng Anh để lấy chứng chỉ quốc tế.
“Lịch học kín, ngày nào cũng khoảng 21h em mới về đến nhà. Em để báo thức lúc 3h30 để dậy học bài. Nhiều lúc em dậy không nổi, ngủ đến 4h mới mở mắt được. Em mệt lắm, nhưng không học sợ không thi nổi”, em Anh nói.
Học đề thi
Rất nhiều học sinh đi học thêm vì lý do như em Anh: học để thi, vì áp lực thi cử. Học sinh THPT đi học thêm phần nhiều vì lý do thi cử. Học sinh lớp 8, lớp 9 đi học thêm cũng với lý do tương tự: thi vào trường THPT công lập.
“Rất nhiều bạn lớp em tối đi học thêm đến 22h mới về đến nhà. Sáng dậy phải điểm danh vào trường lúc 7h10, các bạn đến trường điểm danh xong thì dành tiết 1, tiết 2 trên lớp gục mặt trên bàn để ngủ. Cô giáo lên lớp cũng đành ngó lơ vì các bạn mệt quá”, em Thảo, học sinh lớp 9 tại một trường THCS ở khu vực quận 3, kể.
Đó là những học sinh lớp cuối cấp THPT, THCS, đối với những học sinh lớp nhỏ hơn, các em đi học thêm với những lý do khác.
Chị Nguyên, một phụ huynh có con học lớp 7 tại một trường THCS ở TP Thủ Đức, kể: “Mới đây, bé lớp 7 nhà tôi về nhà xin đi học thêm môn văn. Con nói con ở trường được điểm thấp (6 – 8 điểm thi), con không biết làm văn dạng cô ra trong khi các bạn trong lớp đi học thêm đều làm được nên yêu cầu tôi cho con đi học thêm môn này. Mỗi tuần một buổi thôi. Tôi cũng đồng ý”.
“Em đi học thêm mới càng thấy ở trường cô dạy chán lắm. Cô dạy không kỹ, nhiều cái không dạy, đi học thêm cô mới dạy. Em không muốn điểm thấp nên em đi học thêm”, em An, con chị Nguyên, nói.
Càng học thêm càng thua thiệt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một giáo viên bậc THPT ở TP.HCM khẳng định rằng việc để học sinh học hai buổi/ngày ở trường theo Chương trình phổ thông 2018 mà vẫn phải học thêm ở ngoài là một bất cập của việc dạy học trong bối cảnh đổi mới giáo dục.
“Chương trình phổ thông 2018 nói rằng đã giảm tải cho học sinh. Nhưng môn học thì tăng lên, thời gian học cũng tăng lên hai buổi/ngày. Hiện nay học sinh cũng vẫn tiếp tục đi học thêm…
Và chúng ta đang bàn đến việc hợp thức hóa vấn đề dạy thêm, coi dạy thêm là một dịch vụ có điều kiện. Vậy thì đổi mới giáo dục phổ thông hóa ra chỉ là nói đổi mới, chứ trên thực tế không hề đổi mới”, giáo viên này phân tích.
Cô cũng chia sẻ, nhiều học sinh của cô khi sang nước ngoài du học đã chia sẻ rằng họ không bắt kịp với sinh viên thế giới: “Các em học tối ngày ở trường, đi học thêm các thầy cô nhiều, nhưng lại không được học tư duy từ nhỏ, chỉ quen giải bài tập do học thêm nhiều. Cho nên học sinh của chúng ta không có khả năng tự học, rất thua thiệt so với thế giới.
Vì thế, tôi cho rằng nếu chúng ta ủng hộ việc dạy thêm thì học sinh sẽ tiếp tục không thể phát triển được thể chất, không phát triển được những khía cạnh khác của một con người toàn diện”.
Không như ban đầu
Một nhà nghiên cứu của Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhận định theo định hướng ban đầu, Chương trình phổ thông 2018 được xây dựng theo tầng lý luận: thứ nhất tăng cường các kỹ năng sống qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, vui chơi; thứ hai, giảm tải nội dung kiến thức một cách tối đa, chỉ giữ lại kiến thức cơ bản; thứ ba, không quá chú trọng nội dung, kiến thức mà chú ý dạy phương pháp học tập, phương pháp tìm kiếm kiến thức, phương pháp tự học…
“Thực hiện chương trình mới mà học sinh phải học thêm, giáo viên vẫn dạy thêm tràn lan thì rõ ràng việc xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình mới đã không như ban đầu, không như lý luận và tư tưởng giảm tải của nghị quyết”, vị này nói.
Nguồn: tuoitre.vn