Bằng cách kết hợp cung đường ký ức và cung đường hạnh phúc, Đà Lạt có thể đặt mình vào vị trí điểm đến du lịch đa chiều, không chỉ là nơi hồi tưởng và tận hưởng giá trị lịch sử, mà còn là nơi mang lại niềm vui và hạnh phúc.

Cầu đáy kính nối thung lũng Tình Yêu với đồi Mộng Mơ - Ảnh: MAI VINH

Cầu đáy kính nối thung lũng Tình Yêu với đồi Mộng Mơ 

Quay về quá khứ, người K’ho – cư dân đầu tiên của vùng đất này – đã chứng kiến những thăng trầm lịch sử khi dòng người đổ xô tìm kiếm điểm đến lý tưởng cho việc định cư và phát triển tại Đà Lạt.

Cuối thế kỷ 19, người Pháp nhìn nhận được tiềm năng của vùng đất này từ những rừng thông trập trùng. Họ đã biến Đà Lạt thành một khu nghỉ dưỡng ẩn mình dưới thiên nhiên hoang sơ, và là nơi cung cấp hoa rau củ quả quan trọng cho người Pháp ở khu vực Nam Kỳ.

Ngày nay, vẻ đẹp quyến rũ của Đà Lạt không chỉ là nơi để du khách đến thư giãn, mà còn là nguồn cảm hứng dồi dào cho những người yêu thi ca và nghệ thuật. Sự hài hòa giữa khí hậu mát mẻ, không khí trong lành và bức tranh lãng mạn vùng cao nguyên là yếu tố thu hút du khách đến thư giãn và tận hưởng không gian tự nhiên nơi đây.

Bên cạnh đó, có nhiều quan điểm cho rằng Đà Lạt đã trải qua nhiều biến đổi đáng kể, bao gồm cả sự thay đổi về khí hậu, phong cảnh và kiến trúc.

Những dự án ồ ạt đổ về Đà Lạt nhưng chưa thực sự tôn trọng những di sản mà nơi đây được thừa hưởng theo tiến trình phát triển trong quá khứ. Nông nghiệp phát triển nhanh chóng gây biến đổi về mặt sinh thái, nhưng may thay vẫn còn giữ lại được dáng vóc của một thành phố canh nông.

Với một vùng đất giàu giá trị về lịch sử, con người, và hơn hết là chứa đựng một vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc của thiên nhiên được đất mẹ ban tặng, hiện tại chúng ta đã khai thác và tận dụng hiệu quả những tiềm năng ấy? Tôi xin góp ý tổ chức 2 cung đường mang tính khả thi như sau:

Làm sống lại ký ức Đà Lạt qua việc khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt – Phan Rang

Cung đường ký ức cho Đà Lạt - Ảnh: KTS Lê Tấn Chung

Cung đường ký ức cho Đà Lạt

Cấu trúc không gian phân thành 3 vùng ĐÔ THỊ – KHAI PHÁ – NGUYÊN SƠ từ trung tâm thành phố về D’ran, sẽ là một hành trình quay ngược thời gian – không gian để trải nghiệm sự biến chuyển cảnh quan dưới tác động của canh tác nông nghiệp và phát triển đô thị.

Đặc biệt, cung đường này phải là đoạn phục hồi một phần của tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt – Phan Rang, từ trạm Eo Gió đến ga Đà Lạt, với chiều dài 38km (bao phủ một diện tích gần 300ha) và đi qua 7 ga trạm và 3 hầm hỏa.

Ga trạm và hầm hỏa xa xưa được bảo tồn, tôn tạo và phát triển thích ứng kết hợp các không gian văn hóa – nông nghiệp – dịch vụ tạo nên một điểm đến để đánh thức tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế địa phương.

Đặc trưng mỗi vùng dựa trên 3 giá trị không gian cốt lõi:

Vùng 1: Không gian văn hóa sáng tạo ở lõi trung tâm thành phố Đà Lạt

Nhà ga Đà Lạt - Ảnh: Vietnam Tourism

Nhà ga Đà Lạt 

Thành phố còn giữ lại nguyên vẹn vẻ thanh lịch sang trọng của di sản kiến trúc, đó là nguồn cảm hứng sáng tác. Lấy ví dụ, tại nhà ga Đà Lạt, không gian cảnh quan trong khuôn viên sẽ là nơi trưng bày, chiêm ngưỡng tác phẩm. Và như thế, các di sản tại trung tâm thành phố như một mạng lưới sáng tạo đa dạng và trải rộng.

Vùng 2: Không gian cộng đồng khai phá và xây dựng Đà Lạt, với lõi trung tâm là ga Trại Mát, trạm Đa Thọ, hầm hỏa xa số 4 và số 5, trạm Cầu Đất

Quá trình nhập cư, những nông dân Việt đã vẽ nên hình ảnh thành phố canh nông, trong đó có nghề la ghim tập trung nhiều khu vực Trại Mát, Đa Thọ, nghề chè ở Cầu Đất mang sắc diện cần lao.

Nếu có sự đầu tư nghiên cứu kết nối từ bến trạm dừng chân đến các điểm du lịch trải nghiệm farmstay, tham gia vào quy trình sản xuất nông sản trên từng mảnh vườn, tổ chức lễ hội nông sản theo mùa, và tôn vinh tín ngưỡng lại từng làng ấp thì chắc chắn sẽ là điểm độc đáo về du lịch nông nghiệp Đà Lạt.

Không thể bỏ qua dấu ấn của người bản địa K’ho với những thăng trầm trên vùng đất này. Sự xuất hiện của người nhập cư đã đẩy cộng đồng người bản địa đi xa, các phong tục tập quán cũng dần mai một, cùng với sự bóc lột khi xây dựng tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt – Phan Rang.

Bức tranh thăng trầm ấy sẽ được phác họa vào không gian chiếu sáng nghệ thuật tại hầm hỏa xa số 5 và số 4. Nơi đây có không gian tưởng niệm người phu đường, cảnh quan luân khoảnh kể lại hành trình khai hoang những vùng đất mới.

Vùng 3: Không gian cảnh quan nguyên sơ Đà Lạt với lõi trung tâm là công viên Yersin tại hầm số 3, trạm Hành, trạm Eo Gió

Đây là nơi du khách tìm về với thiên nhiên và trải nghiệm lại hành trình thám hiểm cao nguyên Langbiang của bác sĩ Alexander Yersin.

Kiến trúc cảnh quan mỗi không gian mang hơi thở cảnh quan đồi núi, rặng thông, dấu tích kiến trúc Pháp và pha lẫn màu sắc bản địa thông qua các ngôn ngữ: landform architecture (kiến trúc hình thể) và biophilic architecture (kiến trúc bắt nguồn từ cảm hứng sinh thái).

CUNG ĐƯỜNG HẠNH PHÚC: Khơi lên một cung đường hạnh phúc khi Đà Lạt mở rộng về phía Lạc Dương

Cung đường ký ức, từ Phan Rang về thành phố, như trục xương sống của du lịch Đà Lạt, bởi nơi này có sự thay đổi đa dạng không gian lịch sử, nông nghiệp. Tiếp nối ý tưởng cung đường ký ức là cung đường hạnh phúc đi về phía Lạc Dương với chuỗi hoạt động tái kết nối thiên nhiên – con người, phương pháp chữa lành trị liệu từ thiên nhiên.

Để thực hiện được thì bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt giúp Đà Lạt đi tiên phong đem lại hạnh phúc cho người dân và du khách. Phần Lan gắn liền với danh xưng quốc gia hạnh phúc và nổi danh trên bản đồ du lịch năm châu cũng nhờ vào bí quyết sống hòa mình với thiên nhiên.

Cung đường ký ức, nối liền những điểm lịch sử và văn hóa của Đà Lạt, sẽ là một điều tuyệt vời để du khách khám phá và hiểu rõ hơn về quá khứ của thành phố. Việc tái sinh các sự kiện quan trọng và bảo tồn di sản văn hóa sẽ giúp du khách có cơ hội tương tác chặt chẽ với bức tranh lịch sử đa dạng của Đà Lạt.

Cung đường hạnh phúc, với những kết nối và trải nghiệm sinh thái, sẽ góp phần tạo nên những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa cho du khách. Bằng cách kết hợp cả hai cung đường, Đà Lạt có thể đặt mình vào vị trí điểm đến du lịch đa chiều, không chỉ là nơi hồi tưởng và tận hưởng giá trị lịch sử, mà còn là nơi mang lại niềm vui và hạnh phúc.

Tính khả thi của dự án này không chỉ mang lại trải nghiệm du lịch phong phú mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và sự bền vững của Đà Lạt trong thời gian tới.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : đà lạtHiến kế cho Đà Lạt

Các tin liên quan đến bài viết