Nhiều người nuôi cá tra tại ĐBSCL đang thua lỗ nặng do giá cá bán ra thấp hơn giá thành khoảng 2.000 đồng/kg, một số nơi có mức chênh lệch cao hơn.

Xuất khẩu cá tra đã khởi sắc hơn nhưng giá cá tra bán ra vẫn thấp hơn giá thành khoảng 2.000 đồng/kg khiến nhiều người nuôi cá lỗ nặng - Ảnh: BỬU ĐẤU

Xuất khẩu cá tra đã khởi sắc hơn nhưng giá cá tra bán ra vẫn thấp hơn giá thành khoảng 2.000 đồng/kg khiến nhiều người nuôi cá lỗ nặng

Thậm chí, người nuôi cá phải bán cá nhưng phải cho doanh nghiệp nợ, vì càng để cá lại nuôi sẽ càng thêm thua lỗ.

Dù các thị trường xuất khẩu cá tra đang có dấu hiệu mua cá tra Việt Nam trở lại kể từ tháng 9, với đơn hàng tăng mạnh do đang bước vào mùa lễ hội cuối năm, nhu cầu tiêu thụ cá tại nhiều nước tăng trở lại.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, giá cá tra xuất khẩu vẫn đang ở mức thấp, sản lượng mua hàng chưa nhiều như kỳ vọng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp cũng chưa vội mua cá để bán do giá xuất khẩu không cao.

Bán cá cũng lỗ mà không bán càng lỗ!

Ngày 20-11, ông Nguyễn Văn Học (ngụ TP Long Xuyên, An Giang) cho biết giá cá tra nguyên liệu được các doanh nghiệp thu mua khoảng 26.000 – 26.500 đồng/kg với size 1kg/con. Gia đình ông Học vừa thu hoạch hầm cá tra hơn 500 tấn, bán cho thương lái với giá 26.500 đồng/kg loại có trọng lượng khoảng 1,4kg/con để lấy tiền trả nợ ngân hàng.

“Bây giờ giá thành sản xuất từ 28.000 – 28.500 đồng/kg nhưng bán cá tra cho thương lái thấp hơn 2.000 – 2.500 đồng/kg.

Như vậy, người nuôi cá thua lỗ trên 1 tỉ đồng/ao. Còn các doanh nghiệp mua cá tra của nông dân rất “ép giá”, trong khi họ được Chính phủ hỗ trợ cho vay vốn. Mà vào cuối năm, người nuôi cá bị ngân hàng xiết nợ nên đành phải bán đổ bán tháo”, ông Học nói.

Theo ông Học, trên thực tế, giá cá tra đang giảm hơn 1.000 đồng/kg so với tháng rồi. “Thực tế là giá cá tra không tăng, càng để lâu sẽ càng lỗ.

Nếu không có sàn giao dịch thủy sản, người nuôi cá giống như “thằng mù đi đêm””, ông Học nói và đề nghị Chính phủ cùng các địa phương sớm thành lập sàn giao dịch thủy sản, cá tra để người nuôi cá biết rõ giá cả để bán thuận lợi.

Còn ông Nguyễn Văn Tấn (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, An Giang) cho hay nếu so với đầu năm, giá cá tra giảm hơn 1.000 đồng/kg.

“Giá thành sản xuất cá tra cao hơn 2.000 đồng/kg so với giá cá tra bán ra. Vì vậy, nhiều nông dân nuôi cá tra thua lỗ nặng, ít gì cũng 1,2 – 1,5 tỉ đồng/ao cá. Nhiều đại gia đã bỏ hầm trống, giao tài sản rất nhiều do thua lỗ nuôi cá”, ông Tấn nói.

Trong khi đó, đại diện Công ty Hùng Cá (Đồng Tháp) cho biết từ cuối tháng 9 đến nay, tình hình xuất khẩu cá đang có dấu hiệu “khởi sắc” trở lại khi một số thị trường đã đặt hàng nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị bán cá không cao nên nhiều doanh nghiệp chưa giao hàng.

“Thay vì 4,5 USD/kg như trước, giá cá tra chỉ còn khoảng 3,7 USD/kg nên doanh nghiệp chưa giao hàng. Đơn hàng xuất khẩu của chúng tôi sang các nước không thiếu nhưng giá thấp quá nên đành chờ giá tăng lên. Nguyên nhân xuất khẩu cá tra giảm là do các nước cũng thắt lưng buộc bụng nên giảm mua cá tra”, vị này nói.

Đơn hàng tăng trở lại nhưng giá vẫn thấp

Theo báo cáo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, giá cá tra xuất khẩu giảm do nhiều yếu tố như nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia sụt giảm bởi kinh tế gặp khó khăn, chiến sự tại một số khu vực…

Đến nay, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, gấp đôi thị trường lớn thứ hai là Mỹ. Điểm tích cực là đang bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn, nên xuất khẩu cá tra Việt Nam có nhiều đơn đặt hàng hơn từ tháng 9-2023.

Ông Võ Bé Hiền, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, cho biết Đồng Tháp đã thu hoạch trên 400.000 tấn cá tra xuất khẩu, còn lại hơn 100.000 tấn cá tra chưa thu hoạch.

Các doanh nghiệp thu mua cá tra nguyên liệu với giá 26.000 đồng/kg theo kiểu mua trước trả sau nhưng rất ít. “Với giá bán cá tra như vậy, thấp hơn giá thành sản xuất cá tra, người nuôi bán cá sẽ bị lỗ mà cứ để nuôi càng thêm lỗ. Vì vậy, một số người đã bán đổ bán tháo cho doanh nghiệp mua thiếu, chưa biết khi nào được trả tiền”, ông Bé Hiền nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Dương Nghĩa Quốc – chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam – cho hay thị trường Trung Quốc và một số nước ở thị trường CPTPP bắt đầu “ăn” cá tra Việt Nam trở lại.

Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cá tra sẽ tăng trưởng trở lại. Nếu đến cuối năm, xuất khẩu cá tra “ngon lành” sẽ đạt khoảng 1,7 tỉ USD, giảm hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá thành sản xuất cá tra cao hơn gần 2.000 đồng/kg so với giá bán ra, nên nông dân thua lỗ rất nhiều.

Theo ông Quốc, nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra không thiếu nhưng việc tiếp cận nguồn vốn này rất khó, vì hầu hết các doanh nghiệp đều có nợ ngân hàng nên điều kiện, tiêu chuẩn không thể đáp ứng yêu cầu.

“Chính phủ nên chỉ đạo ngân hàng tạo điều kiện giúp từng doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay để giải quyết hàng tồn kho và duy trì hoạt động. Ngoài ra, cần giảm các loại thuế nhập khẩu các nguyên liệu làm thức ăn cho cá tra để giảm chi phí sản xuất cá tra”, ông Quốc kiến nghị.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đến ngày 31-10, diện tích nuôi mới cá tra tại Việt Nam trên 5.319ha, tăng 85,36% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng Tháp là địa phương có tổng diện tích nuôi cá tra nhiều nhất với trên 2.470ha, kế đến là An Giang có 1.011ha…

Đến nay, cả nước đã thu hoạch 3.663ha, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2022, sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn, tăng 61,29% so với cùng kỳ, với năng suất trung bình đạt 365 tấn/ha (cùng kỳ năm 2022 là 291 tấn/ha).

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bắn cáNuôi cá tra

Các tin liên quan đến bài viết