Bà Trương Mỹ Lan rút hàng trăm ngàn tỷ tiền mặt để làm gì? Dòng tiền mặt khổng lồ đó chảy về đâu? Đó là câu hỏi mà chắc chắn cơ quan điều tra không bỏ qua.
Theo kết luận của cơ quan điều tra Bộ Công an (C03), trong vụ án Vạn Thịnh Phát, hành vi của nhóm Trương Mỹ Lan được thực hiện như “một tổ chức tội phạm với quy mô rất lớn”.
Kết luận của C03 nêu rõ: “Bà Trương Mỹ Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng, biến SCB trở thành công cụ tài chính để tổ chức huy động tiền gửi, chỉ đạo toàn bộ lãnh đạo chủ chốt nhà băng này”.
Toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB bị bà Lan thao túng, lũng đoạn để huy động tiền gửi của người dân rồi cho “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” vay.
Các khoản nợ nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi
Từ 2012 đến 2022, SCB cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng (710 cá nhân và 656 tổ chức). Trong đó, nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB với tổng số tiền giải ngân hơn 1.066.000 tỷ đồng. C03 xác định, nhóm bà Lan chiếm 93% số tiền cho vay, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.
Đến năm 2022, 875 khách hàng trong nhóm bà Lan với gần 1.300 khoản vay còn dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi).
Các khoản nợ này đều nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.
Vì sao bà Trương Mỹ Lan có thể rút ngần ấy tiền mặt trong suốt 10 năm?
Trước hết chính là sự buông lỏng kiểm tra, giám sát, thậm chí là tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong cơ quan thanh tra, giám sát của ngành ngân hàng.
Vì sao trong suốt 10 năm thao túng SCB, bà Lan có thể tổ chức huy động vốn, giải ngân 1.066.000 tỷ đồng, lập khống hàng ngàn hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt hàng trăm ngàn tỷ của Ngân hàng SCB mà không bị phát hiện từ các cơ quan quản lý nhà nước?
Toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB bị bà Lan thao túng, lũng đoạn để huy động tiền gửi của người dân rồi cho “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” vay.
Xin nêu một dẫn chứng sau đây để thấy cơ quan kiểm tra, giám sát của ngân hàng đã buông lỏng như thế nào.
Từ tháng 12/2011 bà Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân, sau đó hợp nhất ba ngân hàng này với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành SCB nhưng bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần. Việc làm này của bà Lan là vi phạm nghiêm trọng pháp luật hiện hành, bởi theo Khoản 1, Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần như sau: Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có sự tiếp tay đắc lực của rất nhiều cán bộ ngân hàng. Trong số 86 bị can có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cán bộ Ngân hàng Nhà nước.
Những tít bài xuất hiện trên truyền thông gần đây đã nói lên tất cả: “Vụ Vạn Thịnh Phát: Cả đoàn thanh tra bị mua chuộc để bưng bít cho sai phạm của SCB”, “Cả đoàn thanh tra SCB của Vạn Thịnh Phát không có được một người công chính”, “Cả đoàn thanh tra nhận tiền của SCB, người ít 100 triệu, người nhiều 118 tỉ”.
“Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” nhưng đoàn thanh tra liên ngành năm 2017 – 2018 của Ngân hàng Nhà nước gồm 18 thành viên đã bịt tai, che mắt để “làm ngơ” cho nhiều sai phạm nghiêm trọng và báo cáo không trung thực tình trạng yếu kém của SCB. Hơn thế nữa, tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra còn đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB thực hiện tái cơ cấu.
Theo kết quả điều tra, bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra – cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước – bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền lên đến 5,2 triệu USD. Đây là số tiền một người nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước, nhận 390.000 USD. 15 bị can còn lại nhận hối lộ người ít nhất cũng 100 triệu đồng.
Tiền đã đi đâu?
Sự dung túng, bao che của thanh tra là điều kiện cần giúp bà Trương Mỹ Lan hợp thức hóa sai phạm, tiếp tục sa vào vũng bùn tội lỗi, tiếp tục thao túng SCB để chiếm đoạt hàng trăm ngàn tỷ một cách bất chính, bất chấp quy định của pháp luật.
Theo kết luận điều tra, từ tháng 2/2019 đến khoảng tháng 9/2022, bà Lan chỉ đạo cấp dưới rút tiền mặt trực tiếp từ SCB và cho xe chở về nhà riêng, trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc giao cho người khác, ước tính khoảng 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD (khoảng 355 tỷ đồng).
Bà Trương Mỹ Lan rút hàng trăm ngàn tỷ tiền mặt để làm gì? Dòng tiền mặt khổng lồ đó chảy về đâu? Đó là câu hỏi mà chắc chắn cơ quan điều tra không bỏ qua.
Nguồn: vietnamnet