Năm 2030, Việt Nam sẽ có 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 trường đại học trọng điểm ngành quốc gia. Toàn quốc sẽ có 50 trường đại học tham gia đào tạo ngành Sư phạm theo dự thảo của Bộ GD-ĐT.
Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ GD-ĐT, cả nước sẽ có khoảng 250 đại học, trường đại học. Trong đó, khoảng 100 trường đại học đầu mối khác trực thuộc các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương. Có ít nhất 70 trường đại học tư thục bao gồm cả trường hoạt động không vì lợi nhuận và có vốn đầu tư nước ngoài.
Đến năm 2030, nước ta có thêm 3 đại học quốc gia là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng. Như vậy, ngoài 2 đại học quốc gia hiện tại là ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội, cả nước sẽ có 5 đại học quốc gia.
Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM, quy mô dự kiến 120.000 – 150.000 sinh viên, gồm các lĩnh vực đào tạo: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, xã hội và nhân văn.
ĐH Quốc gia Hà Nội, quy mô dự kiến 65.000 – 70.000 sinh viên, gồm các lĩnh vực đào tạo: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, giáo dục và sư phạm, xã hội và nhân văn.
Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM
ĐH Bách khoa Hà Nội, quy mô dự kiến 45.000 – 50.000 sinh viên, gồm các lĩnh vực đào tạo: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, sản xuất và chế biến.
ĐH Đà Nẵng, quy mô dự kiến 60.000 – 65.000 sinh viên, gồm các lĩnh vực đào tạo: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, sản xuất và chế biến, sư phạm, tài chính
ĐH Huế, quy mô dự kiến 60.000 – 65.000 sinh viên, gồm các lĩnh vực đào tạo: Khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, nghệ thuật, giáo dục và sư phạm, y dược, nông lâm, du lịch.
Cũng theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, tới năm 2030, Việt Nam phát triển thêm 4 đại học vùng trên cơ sở Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Tây Nguyên và Trường ĐH Cần Thơ. Cùng với ĐH Thái Nguyên hiện tại, cả nước dự kiến sẽ 5 đại học vùng.
Ngoài ra, nước ta sẽ có từ 18 đến 20 trường đại học trọng điểm ngành quốc gia gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (sư phạm và giáo dục); Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược TP.HCM (y dược); Trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH Luật TP.HCM (pháp luật); Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM (kinh tế và tài chính); Trường ĐH Hàng hải Việt Nam (giao thông vận tải, kinh tế biển) Trường ĐH Giao thông vận tải (giao thông vận tải), Trường ĐH Xây dựng Hà Nội (xây dựng và kiến trúc), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (nông nghiệp), Học viện Báo chí và tuyên truyền (báo chí truyền thông), Học viện Bưu chính viễn thông (truyền thông và thông tin), Học viện Hành chính quốc gia (hành chính công), Học viện tài chính (tài chính) Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội (nghệ thuật).
50 trường đào tạo sư phạm
Về quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, Bộ GD-ĐT sẽ sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng tinh gọn, phân định vai trò, sứ mạng, căn cứ năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của các địa phương, từng vùng và cả nước.
Tới năm 2030, toàn quốc có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo giáo viên các trình độ. Trong đó, 11 trường đại học giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt đào tạo giáo viên trong từng vùng và khu vực, tập trung nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc.
Các trường gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm 2, Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH Cần Thơ.
Khoảng 22 trường học, hầu hết trực thuộc UBND tỉnh đào tạo đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên các cấp học của địa phương và các tỉnh lân cận với khoảng 44% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc. Khoảng 17 trường đại học khác tham gia đào tạo một số ngành đào tạo giáo viên đặc thù.
Nguồn: vietnamnet