Nhiều doanh nghiệp đại gia Việt ghi nhận kết quả kinh doanh suy giảm trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Không ít cổ phiếu đầu ngành lao dốc cho dù thị trường được cho là đã xuống vùng đáy ngắn hạn.
Doanh nghiệp đầu ngành gặp khó
Trong phiên giao dịch ngày 31/10, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán tiếp tục giảm sâu sau khi các tập đoàn báo cáo kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng.
Cổ phiếu Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài giảm hết biên độ cho phép, mất 2.800 đồng xuống 37.700 đồng/cp với dư bán sàn sau phiên giao dịch còn rất lớn. Khối ngoại bán ròng hơn 2 triệu cổ phiếu này.
Cú giảm giá sàn trong phiên giao dịch cuối tháng của MWG là một bất ngờ nữa với giới đầu tư khi mà giá cổ phiếu của ông lớn bán lẻ Thế Giới Di Động đã giảm 30% trong tháng rưỡi trước đó, từ mức giá gần 58.000 đồng hồi giữa tháng 9 xuống mức 40.000 đồng/cp.
Cổ phiếu MWG giảm mạnh sau khi doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài báo cáo kết quả kinh doanh, lợi nhuận trong quý III/2023 tiếp tục ở mức rất thấp, chỉ đạt 39 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ, trong bối cảnh MWG khơi mào một cuộc chiến hạ giá nhằm cải thiện doanh thu khi sức cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm.
Lũy kế 9 tháng, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần giảm 16% so với cùng kỳ xuống 87.000 tỷ đồng và lãi ròng giảm 98% xuống 77 tỷ đồng.
Nền kinh tế trong hơn 1 năm qua gặp rất nhiều khó khăn khi sức tiêu dùng hàng hóa xuống thấp. Các mặt hàng không thiết yếu như điện thoại, điện máy khá ế ẩm, hoạt động bán hàng chưa có tín hiệu hồi phục nhiều.
Thị trường chứng khoán hôm 31/10 cũng ghi nhận cổ phiếu SAB của CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) giảm gần sàn, mất 4.100 đồng xuống 56.700 đồng/cp. Cũng giống như MWG, cổ phiếu SAB tiếp tục giảm sâu cho dù đã giảm gần 30% trong tháng rưỡi trước đó.
Cũng trong bối cảnh sức cầu nền kinh tế yếu, ông lớn ngành đồ uống đang trong giai đoạn rất khó khăn. Doanh số bán bia tụt giảm, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt. Đại gia trong ngành bia tại Việt Nam vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý III, với doanh thu giảm 14% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 22% về mức 1.044 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 12% trong khi lợi nhuận giảm 24% xuống còn 3.170 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh ảm đạm không chỉ do sức cầu trong nước sụt giảm, tiêu thụ bia của thị trường 100 triệu dân Việt Nam lao dốc mà còn do nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Giá malt, gạo và đường đều tăng nhanh, qua đó kéo lợi nhuận của các doanh nghiệp đi xuống. Habeco – Hải Phòng (HBH) thậm chí còn báo lỗ trong 9 tháng.
Kinh tế Việt Nam ghi nhận một năm khá khó khăn.
Một năm đầy thách thức
Không chỉ ngành tiêu dùng, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, qua đó ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp địa ốc, vật liệu xây dựng, trong đó có thép.
Trong ngành nông nghiệp, giới đầu tư cũng bất ngờ khi CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) lỗ sâu nhất, gần 330 tỷ đồng trong quý III/2023 cho dù đây là một doanh nghiệp gần đây được kỳ vọng rất lớn trong bối cảnh giá gạo thế giới liên tục tăng trong nhiều tháng qua và lên mức giá kỷ lục. Xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Nhu cầu lương thực thế giới, trong đó có gạo, tăng mạnh khi Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo và xung đột địa chính trị xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, ông lớn trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam – Tập đoàn Lộc Trời – đã ghi nhận chi phí lãi vay tăng mạnh. Bên cạnh đó, tỷ giá biến động cũng khiến doanh nghiệp này gặp khó. Nó khiến cho những kết quả xuất khẩu ấn tượng của doanh nghiệp này bị xóa sạch.
Trong ngành thủy sản, vua tôm Minh Phú bất ngờ báo quý lỗ đầu tiên trong năm 2023. Thủy sản Minh Phú (MPC) ghi nhận mức lỗ 11,9 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ lãi hàng trăm tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, MPC lỗ 114 tỷ đồng, so với mức lãi 574 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Đây là kết quả bất ngờ, trái ngược hoàn toàn với kế hoạch lãi kỷ lục năm trong 2023 với mục tiêu 639 tỷ đồng.
Trước đó, Thủy sản Nam Việt (ANV) báo lãi quý III giảm 99% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 1 tỷ đồng, thấp nhất hơn thập kỷ qua.
Đơn hàng tụt giảm và chi phí cao là một trong các nguyên nhân chủ yếu khiến các DN đầu ngành xuất khẩu rời vào khó khăn.
Trong nước, tiêu thụ hàng hóa khá chậm. Về xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp không đạt được như kỳ vọng như trường hợp nhiều doanh nghiệp thủy sản, may mặc, da giày, túi xách.
Trong trường hợp Gilimex, tình hình còn tồi tệ hơn sau khi ông lớn ngành ba lô túi xách này chứng kiến doanh thu sụt mạnh từ mức hơn nghìn tỷ đồng về còn vài trăm tỷ mỗi quý sau khi doanh nghiệp này đâm đơn kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon trong năm 2022. Năm 2022, ông lớn Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng vì tồn kho lớn và sức cầu của nền kinh tế Mỹ yếu.
Các doanh nghiệp bất động sản còn khó khăn hơn nhiều khi mà thị trường địa ốc chưa hồi phục, gánh nặng nợ còn lớn.
Tình hình chung của các doanh nghiệp cho thấy nền kinh tế còn rất khó khăn. Bán lẻ thấp cho thấy sức cầu suy yếu, thu nhập người dân có thể suy giảm.
Mặc dù vậy, trong khó khăn nền kinh tế vẫn có những điểm sáng. Dòng vốn ngoại vẫn đang đổ vào Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 10 vừa qua đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2020-2023, với hơn 5,5 tỷ USD, trong đó có hơn 90% là các dự án đăng ký hoàn toàn mới. Đây là tín hiệu tích cực cho một chu kỳ mới sắp tới, sau sự kiện Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ.
Một điểm tích cực nữa là dòng vốn đăng ký đầu tư mới đến từ các quốc gia nằm trong chuỗi sản xuất điện tử – bán dẫn: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore, với những dự án lớn gắn với các tên tuổi như LG, Jinko Solar…
Trong một diễn đàn do Bộ KH&ĐT tổ chức hôm 30/10, có diễn giả cho rằng, trong một năm đầy thách thức đối với hầu hết nền kinh tế, Việt Nam đã chuyển hướng phát triển kinh tế sang tốc độ cao, khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á. Việt Nam liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia và xác lập vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn: vietnamnet