Dự thảo thông tư mới về lựa chọn sách giáo khoa phổ thông đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến từ nay đến ngày 20-12.
Cô Nguyễn Nguyên Uyên với học sinh Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (quận 5, TP.HCM)
Dự thảo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) phổ thông áp dụng đối với bậc tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ba nguyên tắc chọn sách
Tại dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra ba nguyên tắc lựa chọn SGK.
– Thứ nhất, lựa chọn SGK trong danh mục SGK đã được bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông.
– Thứ hai, mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông ở mỗi khối lớp lựa chọn một SGK.
– Thứ ba, việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Trong các tiêu chí lựa chọn SGK, dự thảo nêu cần phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Điểm đáng chú ý là dự thảo quy định hội đồng lựa chọn SGK phổ thông do hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp thành lập. Hội đồng giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn SGK.
Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.
Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn một SGK cho môn học đó. Sau khi lựa chọn SGK, các cơ sở giáo dục phổ thông lập hồ sơ lựa chọn sách gửi về phòng Giáo dục và Đào tạo, sở Giáo dục và Đào tạo.
Căn cứ vào kết quả của các trường do sở Giáo dục và Đào tạo trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các trường tại địa phương.
Trách nhiệm lớn hơn
Thầy Nguyễn Xuân Khang – hiệu trưởng Trường phổ thông Marie Curie (Hà Nội) – cho rằng SGK dùng trong các trường phải được thẩm định và bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Nên về nguyên tắc, dùng cuốn nào trong số các sách đã được phê duyệt đều được cả.
Nhưng tùy theo điều kiện, quan điểm dạy học cụ thể ở các trường, trong các môn học mà giáo viên (người dạy) và phụ huynh (người mua cho con học) nên là những người được quyền chọn cuốn sách họ thấy phù hợp.
Tại Hà Nội và Hải Phòng, theo nhiều giáo viên chia sẻ thì với quy định chọn sách đã thực hiện theo thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, giáo viên và phụ huynh cũng được lấy ý kiến. Nhưng ý kiến từ các trường được gửi về hội đồng chọn sách cấp tỉnh để đánh giá, lựa chọn.
Nên với dự thảo mới, mặc dù không phải quy định mới hoàn toàn nhưng quyền và trách nhiệm của giáo viên, của các nhà trường sẽ lớn hơn.
“Tổ nhóm chuyên môn gồm những giáo viên sát nhất với chương trình, với học sinh nên khi nghiên cứu SGK, các thầy cô có thể nhìn ra được điểm mạnh, yếu, tính phù hợp của từng bộ sách.
Các thầy cô cũng là những người mong muốn hơn cả chọn được các cuốn SGK phù hợp, thuận lợi cho việc dạy, việc học. Vì thế trao quyền nhiều hơn cho các nhà trường theo tôi là phù hợp” – cô Thanh Thủy, phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), chia sẻ.
Cô Thủy cũng cho biết trong các đợt chọn SGK đã làm tại Hà Nội thì việc thẩm định, lựa chọn của giáo viên cũng được tôn trọng. Nhưng khi quy định được điều chỉnh trong thông tư thì việc triển khai sẽ đồng bộ, chuẩn chỉnh hơn ở các địa phương.
Hiệu trưởng một trường THPT ở Hải Phòng cho biết rất may là quy trình chọn sách theo thông tư trước tại Hải Phòng cũng hợp lý. Hội đồng chọn sách cấp TP dựa trên ý kiến các trường tập hợp và gần như giữ đúng nguyện vọng của các trường. Nhưng vị hiệu trưởng này cũng cho rằng nếu thông tư quy định rõ về quyền của trường hơn thì sẽ thuận lợi hơn.
“Trường tôi có tình trạng một số giáo viên lựa chọn cuốn SGK này để dạy năm nay. Nhưng sau một năm lại thấy nó nhiều bất hợp lý nên xin chọn lại cuốn khác.
Nếu hiệu trưởng ngại việc, hội đồng cấp trên không tôn trọng ý kiến thì cũng sẽ khó thay đổi” – vị hiệu trưởng trên cho biết và khẳng định thực tế cho thấy việc chọn sách rất nên trao quyền nhiều hơn cho giáo viên vì chỉ họ mới đánh giá được hiệu quả của SGK từ thực tế dạy và học.
Vẫn còn băn khoăn
Tuy ủng hộ quyền chọn sách của giáo viên, phụ huynh nhưng cô Thanh Thủy cũng chia sẻ “phương án nào cũng có ưu, nhược điểm”. Khi quyền chọn sách được trao cho trường, cho giáo viên thì sẽ bám sát thực tiễn hơn. Nhưng ở hội đồng cấp tỉnh thành, các thành viên của hội đồng có thể có đánh giá ở tầm vĩ mô.Vị hiệu trưởng ở Hải Phòng cũng đặt ra một băn khoăn. Đó là trong bối cảnh xã hội hóa SGK, không thể tránh khỏi việc các đơn vị xuất bản sách chủ động tiếp cận và đưa ra những chào mời khác nhau.Hiệu trưởng khi đó có quyền to hơn nhưng cũng áp lực, phải xử lý những vấn đề nhạy cảm hơn. “Nếu hiệu trưởng không có bản lĩnh, thiếu kinh nghiệm thì có thể sẽ khó giữ được sự khách quan, công tâm”, vị hiệu trưởng này cho biết.
Học sinh chọn mua SGK tại nhà sách trên đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh)
* Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc (hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, TP Thủ Đức, TP.HCM):
Không nên giao cho các trường
Theo tôi, không nên giao việc chọn SGK cho các nhà trường bởi năng lực giáo viên ở mỗi trường là khác nhau. Trong khi việc thẩm định, lựa chọn SGK cần một đội ngũ vừa có kinh nghiệm đứng lớp vừa giỏi chuyên môn, tâm huyết với ngành đồng thời phải đọc thật kỹ các bộ sách nữa.
Vì vậy, nếu giao việc chọn sách về cho các trường e rằng sẽ rối ren hơn trước đây. Còn nếu cho rằng cho các trường chọn SGK sẽ làm hạn chế tiêu cực thì chưa chính xác. Bởi nếu muốn tiêu cực thì ở cấp nào chọn sách cũng có thể xảy ra tiêu cực.
Tôi cho rằng quy trình chọn SGK như hiện nay là phù hợp rồi. Từ việc chọn lựa ở cấp cơ sở, hội đồng chọn sách cấp tỉnh thành sẽ thẩm định lại và chọn lựa lại là cần thiết. Hội đồng chọn sách cấp tỉnh thành thường bao gồm các giáo viên, cán bộ quản lý vững vàng và sắc sảo về chuyên môn chắc chắn sẽ chọn được những bộ sách chất lượng.
Quan trọng là quy trình ấy có được thực hiện một cách khách quan và công tâm hay không mà thôi. Như ở TP.HCM hiện tại, việc chọn SGK dùng cho khối THPT đã thực hiện hai năm nay là ổn, không cần phải thay đổi nữa.
* ThS Nguyễn Viết Đăng Du (giáo viên môn sử Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM):
Việc chọn sách hiện nay đang rất tốt
Việc giao quyền chọn SGK cho các trường mới nghe thấy là phương án ưu việt. Tức là giao quyền chủ động cho các nhà trường tự chọn một bộ SGK phù hợp nhất với điều kiện, đặc điểm, năng lực học sinh của trường mình. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm lớn. Và trong bối cảnh như hiện nay, đôi khi việc giao quyền chọn sách cho nhà trường lại là không tốt.
Theo tôi, việc giao quyền chọn SGK cho UBND các tỉnh thành như mấy năm nay là phù hợp. Nếu các địa phương làm đúng theo quy trình này, làm một cách đàng hoàng, thực chất, công tâm thì rất có hiệu quả.
Đầu tiên, các cơ sở giáo dục sẽ chọn SGK và gửi đề xuất này về sở Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh thành sẽ tổ chức họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục sách do các cơ sở giáo dục đề xuất. Dĩ nhiên, trước khi họp và thảo luận, các thành viên của hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh thành phải đọc, nghiên cứu thật kỹ các bộ sách chứ không thể đọc qua loa.
Tiếp theo, các thành viên này sẽ bỏ phiếu kín về việc chọn sách. Từ kết quả bỏ phiếu này, sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thành ban hành danh mục SGK chính thức của địa phương mình.
Như vậy, có thể hiểu hội đồng chọn SGK các tỉnh thành đóng vai trò là bộ lưới lọc, chọn được những đầu sách chất lượng và lược đi những đầu sách kém chất lượng. Nếu việc giao quyền chọn SGK cho nhà trường thì vô tình sẽ lược đi vai trò của bộ lưới lọc này.
Riêng TP.HCM thì mấy năm nay đều chọn từ 2-3 bộ sách/môn (chứ không phải chỉ có một bộ sách/môn). Từ đó, các trường sẽ chọn một bộ sách phù hợp nhất đối với đơn vị mình. Như vậy là khá phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay.
Nguồn: tuoitre.vn