Mỗi đứa trẻ khi bước vào tuổi dậy thì đều có sự thay đổi cả về tâm lý và ngoại hình. Đây cũng là lứa tuổi “bất ổn” nhất của trẻ. Nhiều cha mẹ lúng túng khi đối diện với con cái ở độ tuổi này.
Tâm lý trẻ ở độ tuổi dậy thì rất nhạy cảm, cần được cha mẹ đồng hành
Tùy theo mỗi lứa tuổi, trẻ sẽ có những diễn biến tâm lý khác nhau. Một đứa trẻ cần được nuôi dưỡng, rèn luyện, hình thành kỷ luật, tâm lý qua từng giai đoạn.
Giáo dục giới tính tuổi dậy thì
Ở giai đoạn dậy thì, cơ thể trẻ có sự thay đổi rất lớn, vì vậy đây là giai đoạn trẻ rất nhạy cảm. ThS Nguyễn Hồng Bách chia sẻ có rất nhiều trẻ chỉ vì sự phát triển vượt trội về chiều cao, sự thay đổi giọng nói hay cơ quan sinh dục phát triển gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Bác sĩ Bách kể lại một bé gái 13 tuổi được mẹ đưa đến tư vấn tâm lý vì gần đây con gái thường xuyên nhốt mình trong phòng, ít giao tiếp với người thân và bạn bè. Tình trạng này kéo dài khiến người mẹ lo lắng nên đưa con đến tư vấn.
Tại phòng khám, bé gái chia sẻ rằng khoảng gần một năm trở lại đây, vòng một của em phát triển rất nhanh, vượt trội hơn hẳn những bạn gái cùng lớp nên em rất ngượng ngùng.
“Cô bé tâm sự, khi ngực phát triển, em bị nhiều anh chị lớp trên bàn tán, dò xét khiến em rất xấu hổ.
Thậm chí trước khi đến trường em còn dậy sớm hơn gần 1 tiếng để cuốn chặt ngực mình lại.
Em đến trường sớm hơn để không phải gặp các bạn, không ai nhìn thấy mình”, bác sĩ Bách kể lại.
Theo bác sĩ Bách, những trường hợp như nữ sinh này còn được gọi là tâm lý đột biến, luôn cho rằng bản thân khác người nên cố tìm mọi cách để thay đổi. Do vậy, phụ huynh cần phải trang bị kiến thức về tuổi dậy thì, để ngồi chia sẻ thẳng thắn với con và giải thích cho con về những sự thay đổi này.
“Nếu bố mẹ không có kiến thức, nói chuyện cho con mà sai lệch thông tin thì con sẽ không tin tưởng bố mẹ. Nguyên nhân là hiện nay trẻ tiếp cận thông tin trên mạng quá dễ dàng. Do vậy, phụ huynh tự trang bị kiến thức cho mình để nói chuyện cho con là điều phải diễn ra thường xuyên, liên tục.
Ngoài ra, thầy cô giáo cũng cần phải là “người bạn” đồng hành cùng trẻ ở giai đoạn này, đặc biệt cần chú ý đến những lời nói dễ làm tổn thương trẻ.
Thực tế, không ít thầy cô trong quá trình giao tiếp vẫn thường có những câu “đùa cợt” kiểu: “Tại sao to xác thế mà hậu đậu”, hay “Người to mà óc quả nho”…
Những câu nói ấy sẽ khiến trẻ càng tự ti hơn về sự khác biệt về ngoại hình cơ thể và càng đẩy trẻ lún sâu vào bẫy tâm lý”, bác sĩ Bách nói.
Cần nói về sức khỏe sinh sản
Bác sĩ Đỗ Minh Loan, trưởng khoa sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi trung ương, cũng cho rằng độ tuổi dậy thì từ 11 đến 18 tuổi là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất cả về tâm lý, sinh lý và nhu cầu về tính dục.
“Trong giai đoạn này, trẻ nữ cần chuẩn bị cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên và trẻ nam cần hiểu về sự xuất tinh.
Việc giáo dục giới tính đặc biệt quan trọng và cần tập trung vào vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản.
Cha mẹ không nên để mặc con tự tìm hiểu về giới tính, tình dục qua mạng xã hội, thậm chí là truyền miệng từ bạn bè vì có thể trẻ sẽ học được những kiến thức không đúng và có những hành vi sai lệch.
Việc giáo dục về sức khỏe sinh sản không chỉ là ngăn cấm điều này, ngăn cấm điều kia mà chúng ta cần giải thích, giãi bày để các con hiểu bản chất thật sự của mối quan hệ tình cảm, qua đó giúp trẻ có thái độ và hành vi đúng, hiểu biết và có trách nhiệm về những quyết định của mình”, bác sĩ Loan chia sẻ.
Chú ý dạy trẻ ở từng giai đoạn
Bác sĩ Hồng Bách cho rằng: “Cha mẹ không nên nghĩ rằng chỉ đến giai đoạn dậy thì hay lớn mới cần dạy bảo. Hãy tạo ra “hành lang kỷ luật” cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, để trẻ từng ngày hoàn thiện hơn”.
Với trẻ từ 3 đến 6 tuổi, đây là giai đoạn phát triển tư duy ngôn ngữ, các con luôn có những câu hỏi tò mò về nhiều thứ. Ở giai đoạn từ 7 đến 12 tuổi được coi là thời gian “vàng” để rèn luyện tính kỷ luật và đạo đức của trẻ.
Bước vào giai đoạn 13 đến 15 tuổi được đánh giá là hai năm phát triển đột biến của trẻ trong phát triển tâm lý cá nhân và định nghĩa giới tính. Thời điểm này, trẻ thường muốn khẳng định mình một cách mạnh mẽ. Nếu cha mẹ không hiểu thấu đáo sẽ nghĩ rằng con đang “nổi loạn”.
Nếu cha mẹ không hiểu tâm lý của con sẽ làm mất kết nối, mất mối quan hệ, thậm chí mất con. Trẻ có thể cãi cùn, đập phá, có hành vi cực hại với cha mẹ. Ở lứa tuổi này nếu cha mẹ phát hiện ra những bất ổn của con và đưa trẻ trở lại trạng thái bình thường, con sẽ phát triển rất tốt.
Nhưng nếu phát hiện xong không can thiệp đúng sẽ khiến trẻ bị trượt dài và hư hỏng. Khi trẻ ở giai đoạn này, cha mẹ đừng bao giờ để mất kết nối với con. Hãy làm bạn với con là nghe con nói, chấp nhận cái sai, cái đúng của con.
“Làm bạn với con là vấn đề tế nhị, chúng ta phải đặt vị trí của bản thân là con qua từng lứa tuổi”, bác sĩ Bách nói.
Nguồn: tuoitre.vn