Ông nội tôi chết đã lâu nhưng gia đình không làm khai tử, giờ chỉ còn bia mộ của ông thì tôi có đăng ký khai tử cho ông được không?
Ông nội tôi chết đã lâu nhưng chưa đăng ký khai tử, tôi không nhớ thời gian ông tôi chết. Nay chỉ có bia mộ thì có thể làm thủ tục đăng ký khai tử hay không?
Y Phương (Kon Tum) gửi câu hỏi đến báo Tuổi Trẻ nhờ tư vấn.
Luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) tư vấn về việc đăng ký khai tử quá hạn như sau:
Luật Hộ tịch quy định sự kiện chết của cá nhân phải được đăng ký khai tử trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày xảy ra sự kiện.
Sau thời hạn này, người có trách nhiệm vẫn phải thực hiện việc đăng ký khai tử (quá hạn), pháp luật không hạn chế thời gian quá hạn để bảo đảm mọi trường hợp tử vong đều được đăng ký và cấp trích lục khai tử.
Luật gia Phạm Văn Chung
Việc đăng ký khai tử (đúng hạn hay quá hạn) đều phải bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định; người yêu cầu đăng ký khai tử phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh được các thông tin về họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết, nơi cư trú cuối cùng của người chết (nếu có).
Tuy nhiên, có trường hợp đã chết quá lâu mà người thân không đi đăng ký khai tử nếu còn bia, mộ hoặc có người làm chứng biết sự việc đó thì vẫn có thể đăng ký khai tử.
Cụ thể: Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28-5-2020 của Bộ Tư pháp đã bổ sung quy định tại điều 13, theo đó:
“Trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế giấy báo tử theo quy định thì người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết; trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh hoặc giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không bảo đảm giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử”.
Như vậy, trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử chỉ cung cấp được các giấy tờ như: gia phả dòng họ, giấy tờ tùy thân của người chết (nếu có); ảnh bia, mộ người chết; văn bản xác nhận của người làm chứng về các thông tin liên quan đến người chết, sự kiện chết.
Nếu các thông tin này được cơ quan đăng ký hộ tịch kiểm tra, xác minh, khẳng định được tính xác thực, có lập biên bản xác minh thì có thể vận dụng coi là căn cứ để thực hiện việc đăng ký khai tử.
Do đó, trong trường hợp của ông nội bạn, nếu bạn cung cấp được ảnh bia, mộ ông nội của bạn thì cơ quan có thẩm quyền có thể vận dụng coi là căn cứ để thực hiện việc đăng ký khai tử cho ông nội của bạn.
Nguồn: tuoitre.vn