Tuổi mãn kinh ở phụ nữ châu Á có thể sớm hơn 2 – 7 năm so với phụ nữ da trắng ở châu Âu và Bắc Mỹ, với triệu chứng nặng và kéo dài hơn. Đây là một vấn đề sức khỏe ở phụ nữ đáng báo động nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Tuổi mãn kinh phụ nữ châu Á có thể sớm hơn 2-7 năm so với phụ nữ da trắng ở châu Âu và Bắc Mỹ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuổi mãn kinh phụ nữ châu Á có thể sớm hơn 2-7 năm so với phụ nữ da trắng ở châu Âu và Bắc Mỹ 

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sáng 18-9, bác sĩ Hồ Mạnh Tường – tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM – cho biết theo một số bài khoa học tổng quan về tuổi mãn kinh tự nhiên của phụ nữ trên thế giới, tuổi mãn kinh tự nhiên ở phụ nữ da trắng tại các nước công nghiệp hóa thường trong khoảng 50-52 tuổi.

Trong khi đó tuổi mãn kinh của phụ nữ da đen, Mỹ Latin và châu Á có khuynh hướng sớm hơn phụ nữ da trắng khoảng 2 năm hoặc hơn, với triệu chứng mãn kinh có thể nặng hơn, vì nhiều lý do.

Trong đó, cá biệt có một nghiên cứu công bố năm 1986 cho thấy tuổi mãn kinh của phụ nữ châu Á có thể sớm vào khoảng 45 tuổi (sớm hơn 7 tuổi so với phụ nữ da trắng).

Bác sĩ Tường cho biết thêm tùy vị trí địa lý, chế độ ăn uống, dân tộc… mà tuổi mãn kinh ở phụ nữ Đông Nam Á có thể mãn kinh sớm hơn nữa.

Vào giai đoạn sau mãn kinh, do tình trạng suy giảm hormone cấp tính giai đoạn đầu, sau đó chuyển sang mạn tính, kèm theo sự lão hóa nhanh hơn của cơ thể nên nhiều vấn đề sức khỏe của phụ nữ phát sinh. Do đó họ cần được theo dõi để phát hiện, hỗ trợ điều trị sớm, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cần tăng chất lượng cuộc sống phụ nữ mãn kinh, giúp họ sống tốt hơn, tiếp tục đóng góp cho xã hội - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần tăng chất lượng cuộc sống phụ nữ mãn kinh, giúp họ sống tốt hơn, tiếp tục đóng góp cho xã hội

Số phụ nữ đến độ tuổi mãn kinh ngày càng tăng, cần chú ý sức khỏe

Tại Việt Nam, bác sĩ Tường cho hay số phụ nữ đến độ tuổi mãn kinh ngày càng tăng do quá trình lão hóa dân số. Đồng thời tuổi thọ phụ nữ ở nước ta cũng ngày càng tăng, khiến số lượng phụ nữ mãn kinh tăng theo. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các phụ nữ ở độ tuổi này ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.

Với tuổi về hưu của phụ nữ được nâng lên 60 và sau đó họ vẫn còn tiềm năng đóng góp cho xã hội, nếu không được chăm sóc sức khỏe tốt, dẫn đến tỉ lệ bệnh tật nhiều hơn, chất lượng cuộc sống sẽ kém hơn, ảnh hưởng đến bản thân người phụ nữ, gia đình họ và cả cộng đồng.

Tuy nhiên, các chương trình giáo dục và chăm sóc sức khoẻ phụ nữ tuổi mãn kinh hiện nay rất thiếu cả về số lượng và chất lượng.

“Nếu không cải thiện các chương trình giáo dục và chăm sóc sức khỏe phụ nữ sau mãn kinh thì nhóm người này sẽ có tỉ lệ bệnh tật nhiều hơn và chất lượng cuộc sống kém hơn. Do đó cần tăng chất lượng cuộc sống, giúp phụ nữ mãn kinh sống tốt hơn, tiếp tục đóng góp cho xã hội, quan trọng hơn nhiều so với việc chỉ là tăng tuổi thọ”, bác sĩ Tường đưa ra giải pháp.

Mãn kinh không phải bệnh, là quá trình lão hóa tự nhiên

Các bác sĩ sản khoa cho hay mãn kinh là khoảng thời gian sau khi buồng trứng của người phụ nữ ngừng hoạt động hoàn toàn, không còn rụng trứng và sản xuất các loại nội tiết tố. Do đó người phụ nữ không còn kinh nguyệt và cũng không thể mang thai.

Kinh nguyệt có thể ngưng trong một vài tháng và sau đó có lại. Chính vì vậy người phụ nữ được gọi là mãn kinh khi không có kinh trên một năm.

Tuổi mãn kinh thông thường từ 45 đến 55 tuổi. Mãn kinh không phải bệnh, mà là quá trình lão hóa tự nhiên bình thường xảy ra ở tất cả phụ nữ lớn tuổi.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : mãn kinhtuổi mãn kinh

Các tin liên quan đến bài viết