Ukraine kỳ vọng phi công lái tiêm kích F-16 tham chiến vào mùa đông; Thủ tướng Canada bị kẹt lại Ấn Độ do máy bay bị hỏng; Sau động đất, Morocco xảy ra thiếu thức ăn, nước uống… là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 11-9.
Tiêm kích F-16
Tin tức thế giới nổi bật là chiến sự Nga – Ukraine
* Ukraine kỳ vọng phi công lái tiêm kích F-16 tham chiến vào mùa đông. Theo báo Wall Street Journal (Mỹ) ngày 10-9, các nhà lãnh đạo quân sự Ukraine kỳ vọng phi công Ukraine có thể lái tiêm kích F-16, tham chiến sớm nhất là vào mùa đông năm nay – mốc thời gian lạc quan hơn so với ước tính trước đó.
Hiện nay cả Nga và Ukraine đều không đạt được ưu thế trên không vì mỗi bên đều có đủ tên lửa đất đối không để đối phó máy bay của đối phương.
Việc bổ sung các tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất có thể mang lại cho Ukraine khả năng đối phó máy bay Nga và tấn công các mục tiêu trên mặt đất hiệu quả hơn.
* Ông Zelensky cập nhật bước tiến của quân Ukraine trong 7 ngày qua. Ngày 10-9, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết quân đội Ukraine đã tiến công ở mặt trận phía nam trong 7 ngày qua và cũng đạt được tiến bộ gần thành phố Bakhmut ở phía đông Ukraine, theo Hãng tin Reuters.
“Trong bảy ngày qua, chúng tôi đã tiến công. Có chuyển động ở mặt trận Tavria (phía nam) và mặt trận Bakhmut (phía đông)” – ông nói.
Ông Zelensky thông tin thêm các lực lượng Ukraine đang giữ vững vị trí của họ tại các mặt trận khác ở phía đông, gồm thành phố Avdiivka và Maryinka nằm gần nơi diễn ra các cuộc tấn công chính của Nga, cũng như Lyman và Kupiansk.
* Nga tuyên bố đảng của ông Putin giành chiến thắng ở 4 vùng sáp nhập. Ngày 10-9, Nga tuyên bố Đảng Nước Nga thống nhất (United Russia) – đảng ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin – đã chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương ở 4 vùng Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson, và Zaporizhzhia) mà Nga đã tuyên bố sáp nhập.
Dữ liệu công bố bởi Matxcơva và các quan chức do Nga bổ nhiệm cho thấy cử tri ở các vùng này đã ủng hộ Đảng Nước Nga thống nhất với hơn 70% số phiếu bầu ở mỗi vùng. Tuy nhiên, Ukraine và các đồng minh đã chỉ trích các cuộc bầu cử tại những vùng này.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đến tham dự họp báo sau phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ hôm 10-9
Các tin tức thế giới khác
* Thủ tướng Canada Justin Trudeau bị kẹt ở lại Ấn Độ do máy bay bị hỏng. Theo Hãng tin AFP, giới chức Canada xác nhận ông Trudeau và toàn bộ phái đoàn Canada buộc phải kéo dài thời gian ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào ngày 10-9 do máy bay của ông bị hỏng.
Trước đó, ông Trudeau đã đến Ấn Độ để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 trong hai ngày 9 và 10-9. Ông dự kiến về nước vào ngày 10-9 sau khi đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm nhà lãnh đạo Ấn Độ Mahatma Gandhi, nhưng lỗi kỹ thuật của máy bay đã buộc ông phải ở lại Ấn Độ qua đêm.
Kênh truyền hình CTV của Canada cho biết đây là máy bay Airbus và “đây không phải là lần đầu tiên” máy bay này gặp vấn đề. Không rõ khi nào chiếc máy bay có thể quay lại Canada.
* Sau động đất ở Morocco là cảnh thiếu thức ăn, nước uống và nhà ở. Những người sống sót sau trận động đất gây chết chóc nhất trong 60 năm ở Morocco đã phải vật lộn để tìm thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn vào ngày 10-9, khi công tác tìm kiếm người mất tích vẫn tiếp tục ở những ngôi làng xa xôi và số người chết – hiện tại hơn 2.100 người – có thể còn tăng thêm.
Theo Hãng tin Reuters, anh Yassin Noumghar, 36 tuổi, phàn nàn về tình trạng thiếu nước, thực phẩm và điện, đồng thời cho biết đến nay anh nhận được rất ít viện trợ của chính phủ. “Chúng tôi mất tất cả, mất cả ngôi nhà. Chúng tôi chỉ muốn chính phủ của mình giúp đỡ chúng tôi” – anh nói.
Trong diễn biến liên quan, Vua Mohammed VI của Morocco cảm ơn Tây Ban Nha, Qatar, Anh và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vì đã gửi hàng viện trợ tới nước này sau trận động đất kinh hoàng.
* Thượng đỉnh G20 kết thúc, Mỹ và Nga đánh giá tích cực. Ngày 10-9, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bế mạc tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bàn giao chức chủ tịch G20 cho Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trưởng phái đoàn Nga, đánh giá Hội nghị G20 lần này là thành công đối với Ấn Độ cũng như nhóm nước Nam bán cầu (Global South – phân chia theo trình độ phát triển, bao hồm hầu hết các nước đang phát triển).
Ông nói rằng lập trường của nhóm nước Nam bán cầu trong các cuộc đàm phán đã giúp chương trình nghị sự của G20 không bị lu mờ bởi vấn đề Ukraine.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đánh giá tuyên bố chung tại hội nghị “đã làm rất tốt việc ủng hộ nguyên tắc các quốc gia không thể dùng vũ lực để giành lấy lãnh thổ” của nước khác.
Vào ngày đầu tiên của hội nghị hôm 9-9, các nhà lãnh đạo G20 đã ra được tuyên bố chung. Tuyên bố chung tránh đề cập trực tiếp hay lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, thay vào đó kêu gọi các nước “tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ” của nước khác.
Tắc đường trên… sa mạc