Chứng khoán châu Á đã gia nhập xu hướng phục hồi chung của toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 30-3, nhờ tín hiệu tích cực sau vòng đàm phán ngày 29-3 giữa Nga và Ukraine.
Theo Hãng tin Reuters, chỉ số chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương của MSCI (trừ Nhật Bản) đã tăng 1% trong ngày 30-3, chạm mức cao nhất kể từ ngày 4-3. Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều tăng trưởng tích cực.
Theo Đài CNBC, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã tăng 1,3% vào đầu phiên giao dịch sau khi cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent tăng hơn 2%.
Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số chứng khoán của Thượng Hải tăng 0,63% và của Thâm Quyến tăng 0,805%.
Ngoài ra, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,35% và S&P/ASX 200 tăng 0,86%.
Tuy nhiên, chỉ số Nikkei của Nhật Bản đi ngược xu hướng chung của châu Á và giảm 1%.
Ngày 29-3, Ukraine đã đề xuất áp dụng quy chế trung lập để đổi lấy việc đảm bảo an ninh. Đây được xem là tín hiệu chuyến biển trong các cuộc đàm phán giữa nước này và Nga.
Tin tức này đã giúp chỉ số Dow Jones Industrial Average và S&P 500 tăng đến ngày thứ 4 liên tiếp ngay trong đêm sau khi chứng khoán châu Âu tăng mạnh.
Ông Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Công ty quản lý đầu tư AMP Capital, nhận định: “Một mặt đã có nhiều tin tức tích cực hơn liên quan đến Ukraine và thị trường hy vọng vào một thỏa thuận hòa bình trong tương lai. Điều này dẫn đến tâm lý chấp nhận rủi ro, giúp giá cổ phiếu tăng và lợi tức trái phiếu có xu hướng cao hơn”.
Tuy nhiên, ông Oliver cũng cảnh báo tâm lý nhà đầu tư sẽ còn tiếp tục dao động vì “những lo ngại về lạm phát, lợi suất trái phiếu, cũng như tranh cãi xoay quanh liệu Mỹ có chuẩn bị trải qua một cuộc suy thoái hay không”.
Trong khi đó, nguồn cung khan hiếm vì xung đột tại Ukraine hiện nay vẫn giữ giá dầu ở mức cao, bất chấp những triển vọng mới.
Reuters ghi nhận giá dầu thô Brent tăng 1% lên 111,36 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 0,83% lên 105,12 USD.
Giá vàng giao ngay cũng tăng 0,1% lên 1.920,6 USD/ounce.
Nguồn: tuoitre.vn