Gây khó dễ nếu doanh nghiệp không chi tiền khi nộp hồ sơ xin cấp phép “chuyến bay giải cứu”. Ra giá chung chi theo mỗi chuyến bay hoặc “đếm đầu người”, không chuyển tiền thì không đóng dấu.
Từ trái qua: bị cáo Tô Anh Dũng, bị cáo Phạm Trung Kiên, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan
Sự bức ép này đã tạo ra luật ngầm phải hối lộ hay chỉ đơn thuần là quà cám ơn? Phiên tòa vụ “chuyến bay giải cứu” đã qua 7 ngày xét xử, hầu hết các bị cáo là cựu quan chức đều thừa nhận được các doanh nghiệp “lót tay” từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng để cấp phép “chuyến bay giải cứu”.
Tuy nhiên, nhiều người khai “không đòi hỏi” và nghĩ số tiền nhận từ các doanh nghiệp chỉ là… quà cám ơn. Ngược lại, các bị cáo là chủ các doanh nghiệp khẳng định bị các cựu quan chức yêu cầu phải chi tiền hoặc gây khó dễ ép họ phải chung chi.
Không chi tiền có được cấp phép?
Trong phần tự bào chữa tại tòa hôm qua (19-7), ông Lê Hồng Sơn, cựu tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh, dù thừa nhận hành vi phạm tội nhưng vẫn phải thốt lên rằng “tôi là nạn nhân của cơ chế xin cho, nạn nhân của phong bì”. Trước ông Sơn, một giám đốc doanh nghiệp khác nói mình “rơi vào cảnh cùng cực” khi xin cấp phép chuyến bay mà không chịu chi tiền.
Sự bức ép mà các doanh nghiệp phải chịu là do một dạng luật ngầm đã được thiết lập trong quá trình cấp phép “chuyến bay giải cứu”. Trong vòng xoáy của luật ngầm này đã có đến 515 lần đưa – nhận hối lộ, với tổng cộng 165 tỉ đồng.
Diễn biến tại tòa những ngày qua cho thấy Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) là đơn vị có cán bộ để xảy ra tiêu cực đầu tiên. Theo cáo trạng, cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan đã gây khó khăn nhũng nhiễu, không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay.
Bà Lan chủ yếu chỉ lựa chọn các doanh nghiệp được cấp trên chỉ định, do người thân nhờ hoặc doanh nghiệp đã chi tiền trước để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay. Nữ cục trưởng còn hướng dẫn doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác để được cấp nhiều chuyến bay mà không bị chú ý.
Với doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa hối lộ, bà Lan và nhiều thuộc cấp gây khó dễ bằng cách không đưa vào danh sách (dù lãnh đạo Chính phủ đồng ý chủ trương cấp phép), thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày doanh nghiệp nhận được thông báo hoặc đổi kế hoạch bay. Mục đích việc gây khó này là để ép doanh nghiệp phải gặp gỡ và đưa hối lộ mới đề xuất cấp phép.
Người đầu tiên tìm đến bà Lan là tổng giám đốc Công ty An Bình Hoàng Diệu Mơ. Tại tòa, bà Mơ khai từng nhiều lần gửi hồ sơ xin cấp phép nhưng đều không được hồi âm. Tìm hiểu từ các doanh nghiệp khác, bà Mơ hiểu ra cần phải “chung chi” mới có cơ hội.
Người đầu tiên bà Mơ tìm đến là thứ trưởng Tô Anh Dũng. Sau cuộc gặp thì bà được làm việc trực tiếp với nữ cục trưởng Hương Lan. Đây là những cuộc gặp “mở đường” cho công ty của bà được cấp phép 66 chuyến bay, nhưng cũng là sự khởi đầu cho vòng xoáy hối lộ. Bà Mơ đã có 44 lần chi tiền lót tay với tổng số 34,6 tỉ đồng.
Giống như bà Mơ, ông Vũ Minh Thắng (giám đốc Công ty Thuận An) cũng khai khi chưa tìm được “cửa sau” thì nộp hồ sơ xin cấp phép đều vô ích. Sau 8 lần bị Cục Lãnh sự làm khó đánh trượt hồ sơ, đến lần thứ 9 công ty mới được cấp phép chuyến bay đầu tiên. Việc này suôn sẻ do ông Thắng đã chi 600 triệu đồng cho cục trưởng Hương Lan.
Thậm chí, sau lần bôi trơn trên, ông Thắng nhận được điện thoại từ ông Phạm Trung Kiên (thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên) và Vũ Anh Tuấn (cựu phó Phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an) yêu cầu lên gặp nói chuyện.
Thực chất cuộc “nói chuyện” này là để ra giá yêu cầu ông Thắng phải chi 150 – 200 triệu đồng một chuyến bay.
“Không có tiền thì đừng bay!”
Dù bị cáo buộc 37 lần nhận hối lộ với tổng cộng 21,5 tỉ nhưng tại tòa hơn ba lần cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng nói chỉ nghĩ đó là quà cám ơn. “Không có mưu đồ”, “không đòi hỏi”, “không nhận thứ được vi phạm”… là những câu ông Dũng đưa ra để biện minh.
Bà Mơ thừa nhận ông Dũng không bao giờ đòi tiền. Khi thực hiện xong các chuyến bay, bà đến gặp thứ trưởng cám ơn vì được tạo điều kiện. Bà đã đưa cho ông Dũng tám lần, tổng cộng 8,5 tỉ đồng. Đưa cho bà Lan 11 lần là 13,2 tỉ đồng, đưa cho ông Đỗ Hoàng Tùng (cục phó Cục Lãnh sự) bảy lần là 2,6 tỉ đồng.
“Thời điểm bị cáo đưa tiền cho ông Tô Anh Dũng, ông ấy bảo lần sau không được đưa tiền nữa, nhưng những lần sau đó tôi đưa thì ông Dũng vẫn nhận”, bà Mơ khai và giải thích thêm việc cám ơn này là vì muốn được tạo điều kiện cấp phép các chuyến bay.
Chung lời biện minh với cựu thứ trưởng, Phạm Trung Kiên cũng nói không ép bức, không đòi hỏi, doanh nghiệp tự đưa tiền và nhận thức đó là quà cám ơn. Trong khi ông Kiên có đến 253 lần nhận tổng số 42,6 tỉ đồng, trong đó 228 lần qua chuyển khoản.
Đối lập với lời khai trên, hầu hết các doanh nghiệp đã chi tiền cho ông Kiên đều khẳng định bị thư ký ra giá, nếu không hối lộ thì “không có cửa được cấp phép bay”. Thậm chí có bị cáo còn khẳng định con số lót tay 150 triệu đồng một chuyến bay được Kiên ấn định là barem chung. Họ khai khi đề nghị giảm giá thì ông Kiên lạnh lùng đáp: “Không có tiền thì đừng bay!”.
Trong phần luận tội, viện kiểm sát nhiều lần khẳng định dù các bị cáo đưa ra nhiều lý do để biện minh nhưng hành vi của họ chính xác là nhận hối lộ. Viện kiểm sát đưa ra lập luận các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình nên không thể coi là quà cám ơn “khi số tiền là bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước, không thể coi là cảm ơn khi người đưa buộc phải đưa”.
Viện kiểm sát cáo buộc sự nhũng nhiễu, sự thỏa thuận, mặc cả “chung chi” đã tạo ra “luật bất thành văn” buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền mới được cấp phép thực hiện chuyến bay.
Nguồn: tuoitre.vn