Bị viện kiểm sát đánh giá là phạm tội trắng trợn và đề nghị tử hình, bị cáo Phạm Trung Kiên bật khóc nói ‘không ép bức doanh nghiệp’, xin không bị tử hình.
Phạm Trung Kiên, Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế được dẫn giải đến phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu
Sáng 18-7, phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu tiếp tục phần tranh tụng, Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) cùng một số bị cáo và luật sư được trình bày quan điểm bào chữa.
Phạm Trung Kiên: “Bị cáo không ép bức doanh nghiệp”
Trong hơn 10 phút trình bày phần tự bào chữa, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) ba lần xin được tuyên dưới mức án tử hình để “vẫn còn cơ hội sửa chữa lỗi lầm”.
Kiên trình bày với giọng nhỏ nhẹ, đôi lúc run run khi nhắc đến những cáo buộc, mức án mà viện kiểm sát đề nghị trong phần luận tội.
Mở đầu phần bào chữa, Kiên xác nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu là đúng nên rất ăn năn hối lỗi và “xin được gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước cùng nhân dân”, Kiên cúi mặt khi trình bày.
Giống như các phiên xử trước, Kiên tiếp tục khẳng định “không gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
“Tổ công tác 5 bộ có một group trên ứng dụng Viber để các lãnh đạo trao đổi liên quan công tác cấp phép chuyến bay giải cứu. Mỗi lần Bộ Ngoại giao gửi văn bản để các bộ cho ý kiến thì đều đề nghị Bộ Y tế khẩn trương trả lời”, Kiên đưa ra dẫn chứng để khẳng định không gây khó khăn làm chậm tiến độ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hội đồng xét xử phiên tòa chuyến bay giải cứu
Kiên tiếp tục đưa ra hàng loạt dẫn chứng để biện minh rằng các doanh nghiệp cảm ơn mình sau khi thực hiện chuyến bay giải cứu, chứ “bị cáo không đòi hỏi”.
Trong phần này, Kiên 2 lần khẳng định “không ép bức doanh nghiệp” như phần luận tội quy kết và lời khai của một số bị cáo khác.
Cụ thể, Kiên cho biết bị cáo Lê Văn Nghĩa, giám đốc Công ty Nhật Minh, trong quá trình xin cấp phép chuyến bay giải cứu, có gọi điện nói đang ở Khánh Hòa chưa đến gặp được để cảm ơn vì bị cáo đã tạo điều kiện. Khi có chuyến bay nội địa, Nghĩa lên gặp bị cáo và sau đó chuyển tiền.
Kiên phản bác lời khai của bị cáo Vũ Minh Thắng (giám đốc Công ty đầu tư và thương mại Thuận An) về việc cựu thư ký ép đưa tiền, nếu không đưa thì không được duyệt cấp phép chuyến bay giải cứu.
“Tất cả việc bị cáo nhận tiền cho doanh nghiệp là đúng nhưng bị cáo không phải ép bức hay bắt doanh nghiệp đóng tiền”, Kiên phân trần.
Cựu thư ký Phạm Trung Kiên hứa nộp đủ số tiền nhận hối lộ và xin không bị án tử hình
Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng, tiếp tục đưa ra một số ví dụ, một số doanh nghiệp cũng chỉ chuyển 100 triệu trên nhiều chuyến bay để khẳng định rằng “anh chị đưa bao nhiêu tiền thì nhận bấy nhiêu chứ không có sự ép bức nào”, lời của bị cáo Kiên.
Với số tiền 15 tỉ nhận từ các doanh nghiệp liên quan đưa khách lẻ về nước, Kiên cho hay khi nhận thức được sai lầm đã chủ động khai nhận với cơ quan điều tra nên xin tòa ghi nhận đây là sự thành khẩn để giảm nhẹ.
“Thời điểm dịch xảy ra ở Hà Nội, bị cáo thường xuyên tháp tùng thứ trưởng đi công tác phòng chống dịch ở nhiều tỉnh thành, bị cuốn vào guồng công việc mà không nhận thức được hành vi sai trái khi nhận tiền của doanh nghiệp. Khi nhận thức được, gia đình mới biết bị cáo nhận của doanh nghiệp bao nhiêu tiền, bị cáo cũng tác động gia đình nộp lại, nguyện vọng sẽ đóng 100% số tiền đã nhận hối lộ nên xin hưởng sự khoan hồng”.
Kiên khai đến đây thì bật khóc và xin “được hưởng mức án tù” để có cơ hội trở về…
Luật sư đề nghị đổi tội danh cho Phạm Trung Kiên
Bào chữa cho Phạm Trung Kiên, luật sư cho rằng viện kiểm sát chưa đánh giá đầy đủ bản chất sự việc. Luật sư lý giải Kiên có hành vi vi phạm pháp luật, nhận tiền của doanh nghiệp nhưng “chưa thỏa mãn dấu hiệu chủ thể của tội nhận hối lộ”. Bởi thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và dự thảo trả lời Bộ Ngoại giao là Cục Y tế dự phòng.
“Bị cáo Kiên hoàn toàn không thể quyết định việc trả lời văn bản của Bộ Ngoại giao vì còn phụ thuộc vào nhiều khâu”, luật sư nói.
Đưa ra nhiều phân tích, luật sư cho rằng bản chất hành vi phạm tội của bị cáo Kiên không cấu thành tội “nhận hối lộ”, mà cấu thành tội “lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
“Nếu viện kiểm sát vẫn xác định bị cáo nhận hối lộ, đề nghị viện kiểm sát xem xét, đánh giá lại bản chất sự việc liên quan đến quy trình, xem xét giảm nhẹ cho bị cáo”.
Luật sư nói và cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo, trong đó có Kiên là do bất cập trong xét duyệt thẩm quyền cấp phép chuyến bay. Tại Bộ Y tế không có quy trình xét duyệt hồ sơ cấp phép chuyến bay…
Quá trình bào chữa, luật sư đề nghị hội đồng xét xử, viện kiểm sát cho bị cáo được hưởng tình tiết người phạm tội tự thú vì đã chủ động khai báo về số tiền liên quan khách đơn lẻ khi chưa xác định được người liên quan.
Ngược lại, nếu xác định được người liên quan, thì luật sư đề nghị cho bị cáo hưởng tình tiết tích cực giúp đỡ, phối hợp với cơ quan điều tra giải quyết vụ án.
Ngoài ra, theo luật sư, Kiên rất tích cực thông qua luật sư để vận động gia đình tích cực khắc phục hậu quả. Trong tổng số 42,6 tỉ cựu thư ký thứ trưởng nhận hối lộ, bị cáo đã trả cho các doanh nghiệp hơn 12 tỉ đồng và khắc phục thêm đến nay tổng số 23 tỉ đồng.
“Vợ bị cáo có đơn gửi hội đồng xét xử liên quan tới căn nhà thế chấp, nếu phải phát mại, tịch thu để khắc phục hậu quả, vợ bị cáo sẵn sàng dành phần của mình để khắc phục cho chồng”, luật sư nói.
Sau khi đưa ra nhiều phân tích về hành vi của Kiên, luật sư đề nghị tòa xem xét toàn diện, đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan toàn bộ vụ án để cho bị cáo hưởng mức tù có thời hạn.
Trước đó, trong phần luận tội, viện kiểm sát cho rằng Phạm Trung Kiên, với vai trò thư ký thứ trưởng, đã dùng “thủ đoạn trắng trợn” để ép các doanh nghiệp phải “bôi trơn”. Kiên được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là thư ký, trực tiếp giúp việc cho thứ trưởng và trình thứ trưởng ký các văn bản liên quan cấp phép chuyến bay giải cứu. Tuy nhiên Kiên đã lợi dụng việc này gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Viện kiểm sát cáo buộc Kiên “nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, với tổng số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất”, với 253 lần nhận hối lộ, tổng số tiền 42,6 tỉ.
Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp hơn 12 tỉ nhưng lại nhờ họ khai báo với cơ quan chức năng đây là tiền vay mượn cá nhân. Do đó, viện kiểm sát cho rằng cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất đối với cựu thư ký của thứ trưởng, nên đề nghị mức án tử hình.
Nguồn: tuoitre.vn